CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

LẶNG NHỚ QUÀ QUÊ

Thứ ba ngày 19 tháng 6 năm 2012 12:00 AM

Tha hương, nhớ quê là lại nhớ dưa muối tương cà, miếng quà tấm bánh! Nhớ sấu, me, nhớ xôi chè, bánh đúc... Mới thấy mình thật ham ăn. Mà sao ăn… dại! Sao chẳng nhớ cao lương mỹ vị đã từng được nếm dù chỉ một lần trong đời mà cứ đi nhớ những món ăn bình dị chân quê. 

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương…

Anh ơi, sao anh chẳng : Nhớ canh riêu cá, nhớ gà xé phay…nhỉ? Nghe cũng vần cũng điệu kém ai đâu!

Ai chẳng biết, khi xưa miếng ăn gắn cùng kỷ niệm cơ hàn. Xa rồi, nỗi nhớ niềm thương cùng rủ nhau ùa đến cắn lòng, xé ruột, quặn dạ dày. Trong đắng cay khốn khó, người ta thương yêu, gắn bó với nhau hơn. Nhưng cứ thấy tội tội làm sao. 

Ta cũng thế đây thôi. Nhớ quê, ta nhớ cơm cháy ký túc xá thuở sinh viên và những chuyến tàu trốn vé dài vô tận Hà Nội – Hải Phòng cồn cào tiếng rao của hàng quà bánh mỗi  bận tàu dừng.  Khi ấy, ta thường quay nhìn xa xăm, bắt gặp ánh đèn vàng qua những ô cửa sổ, khao khát một bữa ấm áp có ông bà, cha mẹ quây quần bên nồi cơm nghi ngút  khói…Và, những món ăn đơn sơ chủ nhật trước khi ra ga trở lại trường cứ thấm thỏm theo ta mãi đến giờ. 

Giống bà với mẹ năm xưa, ngày nghỉ cuối tuần ta chờ đón các con trở về. Chợ Tây, chợ Á, quanh quẩn vào gian bếp.  Cả tuần quen cơm Tây, ngày nghỉ phải nịnh cho chúng ăn đồ Việt. Với phở, nem cuốn, chả giò chúng háu ăn như giống Tây đã đành. Nhưng để chúng thích mắm tôm của mẹ, ưa mắm nêm của ba, biết xì xụp canh chua canh đắng, nhấm nháp thứ «cơm» vừa thơm vừa dính nhiều màu, biết thưởng thức thứ chè lỏng lẻo loằng ngoằng như «giun xanh» nào đâu dễ.  Cả một nghệ thuật dỗ dành giảng giải trường kỳ như truyền đạo. Khi chúng «kết» một món rồi là lập tức rối rít gọi điện khoe rầm họ hàng nội ngoại khắp các đại dương: Tự hào vì con ta còn nguyên hồn Việt

Lọ mọ hết xôi đỏ đến xôi vàng, bày vẽ chè đen chè trắng, rồi bánh cứng bánh mềm. Nấu dở mãi cũng ngon hay là ăn dở mãi cũng thành quen! Mỗi món nhắc đến một câu chuyện ngày xưa của mẹ. Chúng thuộc đến nỗi mình vừa mới bắt đầu: Ăn món này mẹ lại nhớ…Lập tức chúng đồng thanh: Hồi ấy bà ngoại các con thường… 

Bánh đúc của mẹ chúng làm sao có thể là miếng bánh đúc nộm «mát rời rợi» của Vũ Bằng trong «Miếng ngon Hà Nội ». Nó là dư vị ký ức khay bánh đúc phủ đu đủ cắt hạt lựu non hồng trong hẻm của bà người Hoa ngồi góc đường giữa Cát Dài và Cát Cụt lúc nào cũng chi chít khách. Mình sẽ chẳng nhớ bánh đúc đến mức sang đây phải lặn lội tìm người Hoa để học và cặm cụi làm đến thế nếu như nó chẳng gợi đến một trận đòn rất đau của ba hồi nhỏ. Tội giấu một bài kiểm tra toán điểm hai dưới chiếu. Ba đánh rồi thương, bế con gái 9 tuổi trên tay cho đi ăn bánh đúc. Dầm nát bánh bằng chiếc nĩa cật tre ngà, nước mắt rơi hòa trong đĩa, mình thút thít : Mông con giờ chắc cũng nát như đĩa bánh đúc này. Những ngày dài cô đơn lênh đênh giữa biển, nhớ con gái cưng, ba nghĩ đến câu này lại rưng rưng. 

Chị hàng xóm bằng tuổi mình người Miên gốc Việt. Nhớ hồi mới chuyển về, hai chị em thường rủ nhau làm vườn vào giữa đêm lúc đất còn mềm hơi sương. Dựa lưng vào nhau cách hàng rào nghỉ, dưới vòm trời  trong chấm vụn sao, mình hỏi chị nhớ quê không? Chị trả lời giản đơn: Cả thời nhỏ lo chạy loạn, làm gì có quê mà nhớ! 

Vậy mà vườn rau của chị chẳng những tươi rau húng, rau mùi, tía tô, diếp cá…còn có cả đậu xanh cà tím và một giàn mướp xinh. Một hàng tre um tùm góc cuối vườn. Đêm trung thu, mình dạy lũ trẻ hai nhà chơi dung dăng dung dẻ, nu na nu nống, đánh chuyền. Chị cùng chơi, cười nắc nẻ như trẻ nhỏ, hàm răng trắng lấp lánh dưới trăng. Mời chị chiếc bánh khúc nóng vừa dỡ từ nồi hấp. Đưa ngang hà hít, chị níu chặt tay mình: Chị à, em nhớ, hồi nhỏ hình như em đã từng ăn thứ bánh này!

Nồi bánh khúc của mình dành đợi các con về từ đó có gia đình chị cùng chia sẻ xuýt xoa. Tất nhiên chẳng thể so bì với bánh khúc ngậm ngùi hư thực mỗi độ mùa sang của nhà văn nọ.  Lấy đâu ra cối Ninh Vân hay chõ gốm Hương Canh giữa trời Tây. Và hỡi ôi, không biết đến bao giờ mình mới tận mắt nhìn thấy rau tầm khúc! Chỉ có lá épinard giữ màu xanh ngọc. Nhưng bù lại, mình có nếp cái hoa vàng của thầy mẹ anh cậy mua từ mạn Tứ Xã- Lâm Thao, nơi người Việt trồng cấy trên thềm phù sa cổ sông Thao mấy nghìn năm có lẻ, có chiếc nia đan  cật tre trung du ngậm mưa phơi nắng bên dòng sông Đà miền Thanh Thủy của chị Ba…Tiêu đen tiêu trắng Quảng Trị mẹ gửi. Thếp lá chuối xanh thi thoảng  bạn chuyển máy bay từ đảo Point à Pitre về. Sáng đông chủ nhật, tuyết rơi  ngập trắng vườn, hai gia đình chị và mình quây bên nia bánh khúc. Ký ức tuổi thơ chị thấp thoáng hiện về cùng những món ăn quê. 


Tranh: Đỗ Phấn

Tương Cự Đà, ô mai, mơ, sấu…bánh chè lam, lạc rang húng lừu… Bao nhiêu năm dường như hình dáng trái quả, những cái tên rau chỉ còn mơ mờ trong trí. Nay vừa nhìn thấy, ùa dâng bao kỷ niệm nghẹn trào. Đôi khi đưa miếng lên miệng mà ứa nước mắt ngắn dài. Thầy bạn còn nhớ đến ta, còn hiểu lòng ta nhớ… 

Không ít quà từ bàn tay trìu mến bạn bè người thân vượt ngàn dặm sang với ta, ta lại không có cơ may chạm được tới quà.  Tình cảnh người  vận chuyển hộ chỉ ghé sân bay dăm ba tiếng hoặc chỉ lưu khách sạn một hai ngày ở một địa chỉ ngóc ngách… Mà Paris, không phải là thành phố ào đi là tới. Xứ tư bản, chẳng thể à ơi là nghỉ việc. Cứ phải đợi ngày nghỉ cuối tuần. Gặp phải thời điểm công tác xa tới vài tuần, đôi khi quà chuyền từ tay này sang tay khác…Chưa kể việc quà bị biến dạng, đổi màu. Bao nhiêu giận hờn, suy diễn không thấu hiểu, lên án trọng khinh…Đành ngậm lòng chịu lỗi với quà quê. 

Quê hương mấy chục năm mới trở lại, bạn bè thương, hễ gặp nhau là thấy bạn tay xách nách mang cho…quà. 

Đến thăm mẹ một người bạn cùng lớp năm xưa nay ở tù chung thân vì nghiệp ngập. Vừa giới thiệu, cháu là bạn cũ của M., mẹ nghe sao tưởng người yêu cũ, ôm chầm lấy òa khóc: Thằng con mẹ vô phúc. Đẩy mình ra bàn thờ: Con thắp hương bố đi. Mâm cơm chan nước mắt. Chuyến xe về Hà Nội với chiếc valise chật quà của mẹ. Đồ ăn mẹ tự tay làm, khoai lang nhà, bột sắn, chè…ôi chóng mặt. Nghĩ đến tấm lòng mẹ,  cảnh mẹ cô đơn giữa bốn bức tường trắng, thi thoảng mới có người len lén tới thăm, đố dám bỏ lại thứ  quà gì. 

Chiếc valise trở lại Pháp chỉ được phép 23 cân. Có cười tươi với các anh hải quan cũng chỉ được thêm một hai cân nữa là cùng. Chỉ riêng quà đã tới 80 cân. Toàn  đồ ăn. Đã vậy trước khi rời Hà Nội còn hành bạn lách xe giữa phố sin sít người…đòi thêm chả cốm. Nghe nói hồi xưa người ta thương Việt Kiều lắm. Thấy hành lý nhiều đồ ăn, đồ lưu niệm chỉ mỉm cười thông cảm cho qua. Giờ đã khác. Cô nhân viên sân bay xinh đẹp bạn quen của cậu em rời ghế ngồi, chỉ tay bắt mở valise bỏ lại đồ.

- Anh bảo chị anh bỏ lại sách đi, sách nặng! 

Mình hoảng :

- Không được! Sách này không phải sách mua ngoài hiệu. Toàn sách tác giả ký tên đấy em ơi.

- Chị à, cà phê, ruốc, tiêu đen bên kia, chợ Thanh Bình cũng bán. Em biết mà. Chị trả tiền quá cân còn đắt hơn cả tiền mua bên đó. Chị xem có bỏ lại bớt được không? 

Cậu em lắc đầu :

- Đồ ăn có hơi của mẹ anh, không bỏ lại được đâu, chị ấy khóc nhè bây giờ! Thôi em tính quá bao nhiêu cân để anh trả? 

Mình quay đi, rân rấn. Thằng em, cứ tưởng nó vô tư vô tâm mà không phải vậy.  

Quà quê tới sân bay Charles de Gaulle vẫn chưa yên. Mấy chục gói bột sắn bị khều lên chọc xuống. Thịt bò khô, ruốc bị căn vặn xăm soi, thắc mắc tra hỏi thịt gì. Kỳ cạch mãi mới được cho qua.

Món ăn quê với người xa là tình quê sâu nặng. Chẳng thế mà các nhà văn viết về ẩm thực quê hương cứ như lên đồng. Tưởng chỉ nằm trong phạm trù yêu thương tình cảm, nhưng cũng lao xao gieo lòng những ưu tư. 

Mai này, các con có còn thương nhớ quà quê?

N.C

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook