CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch

TRONG TIẾNG CHUÔNG CHIỀU LÀNG BARBIZON

Thứ hai ngày 14 tháng 1 năm 2013 12:00 AM

Thoát Paris. Chạy trốn thủ đô lấp lóa những mỹ từ hoa ngọc. Mỗi ngày là ràng buộc những đua chen. Nhiễu xạ di động người xe, điện thoại và máy tính… Bảo tàng, thư viện cũng ngột ngạt chớp giật trong ống kính sống của những linh hồn. Mọi cố gắng để có cảm xúc yên bình thành tê liệt. Tôi đi.

Đi đâu, khi mà ô ngăn thời gian không cho phép người đô thị ngoái lại nhìn mình lâu và sâu quá thể. Quanh Paris, chẳng thiếu nơi dừng nghỉ. Nhưng nơi nào có thể trả cho ta một thoáng thôi chút trong lành, yên ả thì còn phải tính suy. Thôi, hay cứ để xe xuyên mù đặc quánh sớm mai giăng hút mặt đường xa lộ. Tuột vụt song hành hai bên là loáng loáng cánh đồng cỏ cây rã ngọn ẩm mục đã ngậm ứ mưa thu.   

Hướng Fontainebleau lịch sử! Rừng, vách đá và lạch nước… có thể sẽ là một ngày thanh lọc, với chỉ bốn mươi phút hành trình.

Khả năng nhắm hướng của đàn bà, hay trí tưởng thiên phú của riêng tôi: Đi và không bao giờ tới đúng nơi cần đến. Sáu mươi phút…Chín mươi phút… Vòng quanh những ngã tư đèn xanh đèn đỏ, lướt qua vài cửa hiệu bazar đang chăng mắc lỏng chỏng đồ Tàu lấn hè đường. Ác cảm của người thành phố với đô thị. Ai đó cười tôi hay chính tôi tự cười mình. Ít ra nụ cười cũng có khả năng làm tan loãng màn trĩu nặng của sương mù.

Thoáng mũi tên chỉ hướng Barbizon. Rồi xe lọt thỏm giữa Barbizon, ngôi làng họa sĩ từ lúc nào.

Tôi luôn cảnh giác với từ Làng (village) trong tiếng Pháp. Rất nhiều tập hợp được gọi là Làng: Ngôi làng đẹp nhất, ngôi làng cổ nhất, ngôi làng giàu nhất của Pháp…và cả những ngôi làng nghèo nhất Pháp... Trong hội chợ, hễ có bốn đến năm quầy cùng trưng bày đồ thủ công mỹ nghệ sát nhau, được mang ngay tên «Làng nghệ thuật» (village d’art).  Dăm ba mái nhà trên núi, nếu có một tiệm bánh mì và một Nhà Thờ cũng được gọi là Làng. Tất nhiên, với cả ngàn mái nhà mà không có Nhà Thờ hay cửa tiệm bánh mì thì chỉ được gọi là thôn, là ấp. (hameau, bourg).

Theo quy định Pháp, vùng tập hợp  dưới hai ngàn bộ não biết nghĩ được gọi là Làng. Trên con số đó, Làng mất đi cụm âm tiết dưới đuôi, «A» biến thành «E», đọc nhè nhẹ là «Ơ», nguyên  chữ là «ville». Làng trượt thẳng vào phố. Làng quê (rural) trở thành đô thị (urbain). Ranh giới quy chuẩn của Pháp gây tranh cãi cho các chuyên gia nhiều chuyện. Nước Bỉ láng giềng có nơi gọi là thành phố chỉ 950 đầu người. Mối quan tâm của tranh cãi là làm sao cho các làng tuy ít dân số nhưng nếu đầy đủ các phương tiện công nghiệp, thương mại cũng cần phải được cấp «danh hiệu» thành phố, nghĩa là «village» phải được gọi là «ville». Dân quê phải được gọi là dân phố thị. Như vậy ở Pháp, chữ «làng» không nhất thiết phải là nông thôn và giữa lòng thành phố ta có thể mục kích những đàn bò sữa thây lẩy giễu giện giữa đồng cỏ xanh ngát ngát.


Barbizon nguyên sơ là thôn xẻ gỗ áp rừng Fontainebleau. Đây, chính «những ngôi nhà nghèo nàn bằng đá rừng lợp ngói truyền thống xám ngắt, thẳng hàng từ đầu trang trại viền khúc đồng bằng tới cửa rừng, làm thành con đường duy nhất, được lát tồi tàn và thậm chí nhấp nhô… Nhiều mái nhà còn phủ rơm và khi rơm cũ kỹ đi nhuộm một thứ màu đẹp đáng kể… khiến cho những kẻ say mê màu sắc phải mãn con mắt… » mà họa sĩ Georges Gassiès cố tả một cách khách quan nhưng không giấu nổi vẻ ngưỡng mộ.  

Dường như hôm nay chỉ mình tôi làm khách làng Barbizon và cũng chỉ tôi thậm thịch thả bước trên con đường làng mang tên Grande Rue  vẻn vẹn một ki-lô-mét. Gọi là Grande Rue bởi nó «rộng» về kính thước so với những con đường khác, cũng có thể bởi nó là phố chính của làng Barbizon chăng? Nhưng tôi thấy đúng nghĩa hơn, vì đây là con đường đã từng lưu giữ nhiều ngôi nhà của những đại danh họa phong cảnh của Pháp và thế giới một thời. Họ rời các xưởng vẽ Paris tìm tới khung cảnh rừng Fontainebleau thể nghiệm tác phẩm dưới hiệu ứng ánh sáng ngoài trời. Có thể họ cũng đã lạc bước vào làng xẻ gỗ Barbizon yên bình và bếp lửa ấm không khí gia đình của quán trọ vợ chồng Ganne bên đường Grande Rue đã giữ chân họ lại. Corot, Sisley, Théodore Rousseau, Monet, Millet, Charles Jacque… cùng nhiều tên tuổi bậc thầy đã tụ hội về đây sống và tài năng được thăng hoa qua ngọn vẽ, tạo nên trường phái Barbizon.


Quán trọ Ganne - nay là nhà bảo tàng Barbizon

Đặc trưng mỗi ngôi làng Pháp là hương vị nồng ấm nao lòng của bánh mì, là những bức tường mắt đá đan rủ tầng tầng lớp lớp cây leo như những bàn tay rung rinh chìa gọi và tiếng ngân dài mướt chuông Nhà Thờ. Tiếng chuông ở làng quê khác tiếng chuông giữa lòng thành phố. Nó là chuỗi cung bậc đồng hưởng với hồi chuông xướng của những làng bên vọng tới. Một nốt la đáp một nốt son, dấu hiệu sự sống của một ngôi làng, âm rung giữa cánh đồng thênh thang gió chạm vào một sợi dây thiêng liêng nào đó trong sâu thẳm tâm hồn.

Không gì xui khiến nhưng xe tôi chậm dừng trước cửa hiệu bánh mì của con đường lớn Grande Rue một chiều chỉ đủ lọt một xe qua. Chỗ đậu xe hai bên đường kẻ ô, cho phép mỗi xe đậu tạm mười lăm phút. Thời gian đủ mua một chiếc bánh mì, thả một phong bì vào thùng thư bưu điện, hay rút tiền ở guichet tự động. Con đường quả có lớn hơn khi chỗ đậu xe còn nhiều ô trống. Mùi thơm quặn lòng làm ta cứ tưởng đã trót bỏ ăn mấy bữa chỉ có thể là mùi bánh mì truyền thống, với bí quyết chọn lúa mì, nhào bột và cách tính thời gian lên men, còn là nghệ thuật nướng trên bếp củi của tổ tiên làng xẻ gỗ năm xưa. Bí ẩn của loại than nào nhức lên hương vị thứ bánh mì hảo hạng tôi chưa từng nếm ở đâu ngon đến thế mà tôi có nhã ý khuyên tất cả những ai đến Barbizon nên thử. Bạn sẽ không đủ dũng khí giữ chiếc bánh mì thơm lựng nóng hổi trên tay đi hết con đường và sẽ như tôi, phải quay lại ngay cửa hiệu để có vài chiếc khác làm bạn đồng hành giữa sớm thu se lạnh hoặc xách nách về Paris để làm quà.

Dọc tường hai bên đường gắn những bức tranh nổi tiếng sao lại bằng mảnh gốm màu. Thi thoảng  đặt vài chiếc ghế đá nghỉ chân. Quán cà phê duy nhất đang dọn ghế mây ra hè quanh những chiếc bàn vuông rộn rã màu giống palette của họa sĩ đang dở tay vừa khép cửa chạy ra phố. Cà phê không thơm, bánh croissant uể oải cứng đơ sót lại từ hôm trước. Chủ tiệm chuẩn bị cho một ngày thứ bảy cuối thu của mùa vãn khách du lịch. Nhà bưu điện xinh xắn chưa mở cửa hay không mở cửa ngày thứ bảy? Thời vi tính chắc chẳng mấy ai lọ mọ dậy sớm ra bưu điện làm gì. Tranh của họa sĩ có mặt trong làng Barbizon, còn sống hay đã mất, từ vài trăm đến vài triệu euros lẽ nào có thể trông cậy vào nhân viên bưu điện!

Một Nhà Thờ, bốn hãng bất động sản nằm xen các xưởng nghệ thuật trên con đường. Với con số gần một ngàn năm trăm dân số, khoảng cách để Barbizon được cấp "danh hiệu" thành phố chẳng bao xa. Các họa sĩ vẫn đổ về đây mua nhà, đặt xưởng dù giá nhà nơi đây xấp xỉ trên dưới cả triệu Euros. Tranh của họa sĩ làng Barbizon luôn có giá dù không phải ai tới Barbizon cũng trở thành một Millet. 

 

Nhà thờ Barbizon

Không tin Barbizon chỉ có một con đường, tôi rảo bước nhanh hơn với ý định khám phá bề mặt khung cảnh xung quanh trước. Đón tôi, một bìa rừng vắng yếu ớt vài mụn lá vàng còn đẫm mưa đêm không bóng người. Georges Gassiès từng viết: «Barbizon là một khu thanh bình nơi người ta có thể yên tâm không bị làm phiền, làm việc yên tĩnh, được ở, được ăn với giá cả vừa phải…Hơn nữa tiếng tăm của ngôi làng lan truyền và quan trọng là những họa sĩ phong cảnh và gia cầm có thể chắc chắn tìm thấy vô số nguyên mẫu  tại ngay nơi mình sống…». Những dòng chữ từ mấy trăm năm trước vẫn dành cho hôm nay! Một mình giữa ngôi làng lặng lẽ một cách bí hiểm nhưng trong tôi không chút cảm giác nào về sự lạnh lẽo, cô độc. Chẳng hiểu những ngôi nhà trang điểm mành rễ như tấm lưới chăng tường đá, gắn biển khắc tên tuổi của các danh họa đã từng sống ở đây có gợi nên sự che chở nào không? Sát rừng, rẽ sang tay trái, một con hẻm nhỏ dịu dàng. Lối vào lát sỏi của tu viện. Giữa sân cây dẻ đồ sộ thân chập vòng tay hai người ôm, rủ cành xuống tượng đá khỏa thân bên hàng rào cây hoàng dương được chăm tỉa  theo vòm ngay ngắn. Một chiếc túi rác bục, rác bay vãi tứ tung trên thảm lá vàng, vỏ chai rượu hồn nhiên lỏng chỏng giữa sân. Tu sĩ hẳn là người sành ăn nhậu.  


Đang ngó nghiêng mê mải, bỗng có tiếng người líu ríu cuối hẻm. Lần tới, tôi phát hiện ra văn phòng hướng dẫn du lịch. Catherine tươi cười giữ cửa chờ tôi như đã biết có khách lạ lạc vào đây. Chị gọi với theo người đàn ông đang chuẩn bị nổ máy xe: Miguel! Trở lại đi! Có người phụ nữ, hình như là người Việt!

Miguel Amoros, họa sĩ gốc Tây ban nha theo trường phái ấn tượng đến Barbizon từ năm 1968. Đơn giản trong bộ đồ mua bánh mì thứ bảy, ông chìa tay cho tôi: Tôi sẽ tới Việt Nam trong ba tháng nữa và định sẽ ở đó một thời gian dài để vẽ. Tôi yêu văn hóa và con người của đất Lào, hy vọng sẽ gặp những người hiền hòa như thế ở Việt Nam. Chỉ bức tranh bằng chì nâu gạch chiếm suốt bức tường văn phòng do ông vẽ, chụp cùng tôi một bức ảnh, ông trao card mời tôi tới xưởng họa của mình cũng ngự ở Grande Rue. Trong lúc đó, Catherine đã kịp chuẩn bị cho tôi sơ đồ và tư liệu cho hành trình vào làng Barbizon  huyền thoại.

Tiếc rằng tôi không thể ở lâu hơn nên đành khất với Miguel lần sau. Sẽ có nhiều thời gian hơn để nói với họa sĩ về đất nước của tôi. Ngôi nhà và xưởng vẽ của Jean-François Millet**, như một bảo tàng, chiếc đồng hồ dừng lại con số Sáu, thời khắc cây cọ trên tay ông ngưng  nghỉ, những mẩu chuyện quanh người phụ nữ giúp việc và cũng là người bạn đời của ông đã chiếm hết khoảng thời gian còn lại của tôi. Chiếc lò sưởi khắc những chân dung thần bí, chiếc ghế ông đã ngồi, những bức phác thảo sống động đến nghẹt thở.


Riêng bức «Chuông nguyện – L’Angélus» nằm ở bảo tàng d’Orsay giữa Paris.    

   

L'Angélus - Jean-François Millet

Một tuần sau tôi trở lại bảo tàng d’Orsay. Vẫn tưởng đi hay chạy, rùng rình hay vội vã thì hầu như người Paris cũng không nghe, không thấy được gì giữa không gian ồn ã. Vậy mà đứng trước sắc hoàng hôn của « L’Angélus», trước cặp nông dân và vẻ thành kính trên gương mặt trong ngời của người phụ nữ đang cúi đầu chắp tay giữa cánh đồng, tôi bỗng thấy ngân rung một tiếng chuông chiều. Tiếng chuông lan tỏa, tràn ngập, phá vỡ không gian bảo tàng, vượt qua tù túng của khung tranh và bốn phía tường đá thấm vào thinh không. Millet vẽ L’Angélus giữa Barbizon nhưng lòng ông hướng về tuổi thơ với hình ảnh người mẹ trên cánh đồng tần tảo của ngôi làng nghèo khó ở Cherbourg. Tiếng chuông của ông đưa tôi trở về tuổi thơ với khúc ca từ lâu xa vợi: Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung… Đó là tiếng chuông chỉ có thể nghe khi lòng yên tịnh. Vậy thì nông thôn hay thành phố, làng quê hay đô thị, đi bất cứ nơi nào, khi lòng còn nhớ, hẳn vẫn còn nghe tiếng chuông ngân. 

 N.C

*Họa sĩ Georges Gassiès (1829-1919)

** Họa sĩ Jean-François Millet (1814-1875)

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook