CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Dịch thuật

KHU VƯỜN ĐẦY SƯƠNG ĐÊM

Thứ sáu ngày 1 tháng 3 năm 2013 12:00 AM

Bài viết về tác phẩm Khu vườn đầy sương đêm của Tan Twan Eng. Với tiểu thuyết này, nhà văn Malaysia lần thứ hai lọt vào danh sách đề cử giải Booker, sau tác phẩm đầu tay "Quà của mưa".

Không thể cưỡng lại câu mở đầu của tác phẩm lộng lẫy này: “Trên một ngọn núi giữa những đám mây, có một người từng là thợ làm vườn của Nhật hoàng sinh sống”. Cũng giống như tiểu thuyết đầu tay của Tan Twan Eng, Quà của mưa, trong một sắp đặt tựa như thần thoại, một nhân vật quý tộc thanh tao phải xuất hiện với một câu chuyện đớn đau. Giữa “sự tĩnh lặng của những ngọn núi” và “chiều sâu của sự im lặng”, câu chuyện từ từ mở ra. Rất chậm.

Người kể chuyện là thẩm phán tòa án tối cao Teoh Yun Ling khắc khổ, người từ bỏ công việc ở Kuala Lumpur để trở về cao nguyên Cameron, nơi bà còn một điều dang dở: quá khứ của bà và của đất nước. Khi Yun Ling gặp lại những người bạn cũ ở nhà ga và giọng điệu trở nên trầm ngâm, chúng ta trượt vào những hồi ức phức tạp theo dòng thời gian. Giọng kể chậm rãi chuyển hướng tới sự kiện chính: mối quan hệ mê hoặc giữa Yun Ling và người làm vườn Nakamura Aritomo.

Tự bỏ đi khỏi Nhật Bản sau một cuộc tranh cãi với Nhật hoàng Hirohito, Aritomo cư ngụ tại đỉnh đồi Malaya và bắt đầu xây dựng Yugiri, một “khu vườn đầy sương đêm”. Rồi Yun Ling xen giữa vào cuộc đời ông, con gái một gia đình Malaysia gốc Hoa giàu có, và là người sống sót duy nhất trong một trại tù nhân chiến tranh. Yêu cầu của bà với Aritomo thật đơn giản: xây dựng một khu vườn cho em gái của bà, người đã mất mạng trong trại tập trung, và vốn là người rất yêu những khu vườn Kyoto. Aritomo lầm lì không có thói quen chiều lòng ai hay xin lỗi vì những tội ác của đất nước ông. Thay vào đó, ông đề nghị sẽ dạy Yun Ling nghệ thuật làm vườn Nhật Bản trong hai năm. Gần như kháng cự lại chính mình, bà trở thành học trò, rồi người tình, và cuối cùng là cơ sở cho tuyệt tác của ông: horimono, loại hình xăm kín cơ thể của Nhật Bản. Những chương trong đó mối quan hệ cứu rỗi này mở ra thông qua những ẩn dụ từ nghệ thuật làm vườn, nghệ thuật xăm mình, nghi lễ trà đạo, và học thuyết thiền là cốt lõi tâm lý của tác phẩm.

Trong khi đó, chúng ta học được những khái niệm làm vườn hiện sinh như shakkei, “cảnh quan mượn”; rằng “mọi khía cạnh của làm vườn là một hình thức lừa mị”; rằng “nghệ thuật xếp đặt đá” là phải lao động cật lực; rằng một khu vườn là biểu hiện của những trạng thái tinh thần. Chúng ta học được về nghệ thuật bắn cung mà Aritomo luyện tập để trầm ngâm mặc tưởng. Chúng ta học được cách trồng chè, nghệ thuật xăm horimono, và những chi tiết rợn người về các trại tập trung Nhật Bản, nơi những người như Yun Ling là “khách của Nhật hoàng”.

Đây là một tiểu thuyết tràn ngập thông tin lịch sử và chuyên môn, cũng như Quà của mưa, nó cho thấy Tan Twan Eng là bậc thầy về sự đa dạng văn hóa. Nhân vật phụ, Magnus, một người Nam Phi dành trái tim cho Malaya, và cũng như Yun Ling, bị vướng vào cuộc hỗn loạn thập niên 1950 trước ngày độc lập. Thực sự, tất cả các nhân vật, gồm Yun Ling chính trực và Aritomo thông thái, được khám phá một cách chậm rãi là những người mơ hồ về mặt đạo đức, và bị tổn hại bởi những hành động ám ảnh họ. Chủ đề ở đây là nhớ và quên, được minh họa bởi một phép ẩn dụ kép đầy thích hợp: một pho tượng Mnemosyne (nữ thần trí nhớ trong thần thoại Hy Lạp) trong vườn, còn Yun Ling mắc chứng mất ngôn ngữ.

Tiểu thuyết đặt được nhiều mục đích: chủ đề nghiêm túc, nền tảng lịch sử vững chắc, cấu trúc cẩn trọng, nghệ thuật trang trí cổ điển đáng nể. Lý do để không thể yêu tác phẩm này là chất lượng câu chữ. Không có cá tính khác biệt trong chất giọng uể oải, đầy nghĩa vụ của Yun Ling và những câu không mang tính sự kiện luôn săn đuổi chúng ta ở từng trang: “tôi nhìn thẳng vào mắt ông trong một khoảnh khắc bất tận”; “trong một thời gian dài ông không nói gì. Cuối cùng ông bắt đầu nói chậm rãi và chắc chắn”. Đoạn hội thoại lúng túng giống như một bài học lịch sử được mang ra làm đối chiếu cho độc giả phương Tây, và mọi thứ “giống” một cái gì đó một cách buồn tẻ, vì thế câu văn thường dài gấp đôi: “Chúng tôi như thể dừng quanh ngọn nến trong hai tháng, lượn vòng ngày càng gần về hướng ngọn lửa, chờ đợi xem đôi cánh của ai sẽ bắt lửa trước”. Bất chấp các tình tiết đầy tính kịch, hiệu ứng tổng hợp là một nét dịu ngọt đáng ngạc nhiên, như thứ gì đó bạn đã đọc trước đây.  

Kapka Kassabova - Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch
Từ The Guardian

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook