CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tuyển chọn Văn học Việt Nam qua ngôn ngữ của Molière - Bản Tiếng Việt

NIỀM KHÔNG

Thứ ba ngày 29 tháng 10 năm 2013 12:00 AM

Đây là câu chuyện tồn lưu gần 700 năm.

Tháng Giêng năm 1293, Nguyên Hoàng đế Hốt Tất Liệt thua Đại Việt uất ức ốm chết, vua Trần Nhân Tông lúc ấy mới 35 tuổi liền rời bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử đi vào cõi ngộ tháng Ba cùng năm.

Truyện rằng: viên đá ngũ sắc phát quang hiện nằm ở sân chùa Chuông được cuốn theo cơn lũ ống trên đỉnh núi Chuông xuống cùng với cây gỗ kiêng tía dài hai chục sải, rộng sáu người chập tay chính vào cái đêm Sư Tổ chùa Chuông vân du từ núi Yên Tử về qua định vị tạm thời trên sườn núi Chuông.

Mà vị Sư Tổ chùa Chuông không ai khác chính viên trưởng quan hộ giá của vua Trần Nhân Tông. Viên quan nọ tưởng có công hộ giá vua qua hai cuộc kháng chiến sẽ được thăng quan phát lộc. Không ngờ Trần Nhân Tông lại xuống tóc đi tu khi đầu xanh tuổi trẻ hừng hừng, viên trưởng quan hầu phẫn chí bỏ đi lang bạt mai danh ẩn tích.

Một đêm mưa, viên quan ngủ vạ vật trên suờn núi vắng, khi sáng ra thấy mình nằm kẹp giữa viên đá ngũ sắc và cây gỗ kiêng tía khổng lồ mà không hề hấn một mảy, trong khi nửa quả núi bị đứt gãy trôi sạt. Ngộ ra, viên quan liền thôi bước lãng du, tạo dựng chùa Chuông.

Người thế gian đời sau thì lại phiên dịch ra ý nghĩa của hai vật thể được sức mạnh siêu nhiên mang tới chùa Chuông. Phiến đá ngũ sắc phát quang chỉ có thể dùng để tạc tạc tượng Phật hoặc tượng Sư Tổ khai sinh ra chùa Chuông. Cây gỗ kiêng tía, xẻ dùng làm cán búa và ván nằm cho thợ đá chờ cơ duyên tới ngày đẹp tạc tượng.

 

* * *

 

Và, sau 700 năm câu chuyện khởi phát trên mới thực sự hệ lụy.

 

* * *

 

Xòa lòng tay khum khum trên tấm phản liền chiếu, người nghệ nhân già lắng nghe cả khối gỗ kiêng tía dài rộng mỗi chiều sải rưỡi, dày cả gang tay, nâu bóng như khối gang đúc phả cái mát rờn rờn thấm qua lớp da khô, chạy thẳng vào tâm não. Bất giác ông rùnh mình. Cái rùng mình bản năng báo trước sự đổi thay của xương thịt người trần sắp kiệt nguyên khí.

Đã 27 đời người thợ đục đá lần lượt nằm chờ trên tấm phản gỗ kiêng tía này mà chưa ai có cơ duyên sử ngón nghề tôi luyện hằng ngày. Khối đá ngũ sắc vẫn bình thản toả hào quang đợi lệnh của sư trụ trì. Nó có thể được dùng tạc tượng Phật Tổ, mà cũng có thể tạc tượng Sư Tổ. Nhưng chẳng hiểu sao đã 700 năm mà không một vị sư trụ trì nào đoan quyết việc này một lần cho xong.

 

* * *

 

Ông luỵch quỵch chống tay ngồi dậy. Cảm giác có hàng ngàn chiếc cán búa đang vung đập ngược lên dọc sống lưng khiến ông nghẹt thở. Nhắm nghiền ông vẫn thấy những mũi chạm thép gió tôi than gỗ nghiến rũi tung tóe từng đám bụi đá trắng rào rào vào mặt, vào tóc. Mùi đá mới ai ai. Mùi đá cũ nồng nồng như vôi tôi lâu năm. Mùi thạch trầm thổ thì vừa ai vừa nồng.

Lộp độp sương rơi từ tán cây lão tùng xuống nền đất sét sỏi ong hằn thổ.

Cành khô mục trút mình bất chợt ào qua tán lá.

Những vạt trúc mọc quanh chùa nghiêng ngả rì rầm vật mình vào nhau.

Mùi hương trầm của 700 năm thấm thấu vào mỗi mạch vữa đá ong lúc thời khắc gần về sáng là phả ra lẫn với mùi lan cỏ nở lẩn quất quanh chùa.

Hơn sáu mươi năm nay giấc ngủ của ông gắn liền với nó trong dãy nhà ngang sau chùa Chuông. Tiết lạnh thì nệm cỏ, chăn bông trần vải diềm bâu thô nhuôm nâu. Khi bức nóng thì phản không với vỏ chăn diềm bâu, gấp vuông đắp ngang người, đầu gối lên chiếc gỗi gỗ lõm hính thuyền cũng đẽo bằng thứ gỗ kiêng tía chuyên dùng làm cán búa đục đá.

Không rõ từ bao lâu, cữ gần sáng là người nghệ nhân đục đá giật thột tỉnh giấc vì thấy trước mắt lững lững khối đá ngũ sắc nhấc mình bay lơ lửng giữa mây trắng trên đỉnh rừng bát ngát những sen trắng sen hồng.

Sau đó là cảm giác bị cán búa đập ngược vào lưng. Hình ảnh khối đá trắng vân ngũ sắc nằm uy nghi trước sân chính điện khi lấp ló nụ cười của Sư Tổ lúc thì ánh mắt của Phât Tổ như đang khuyến khích, như đang thách thức ông bóc tách những vụn, những thớ đá thừa để các Ngài bước ra nhập thế.

Chú tiểu nằm gian bên vươn vai ngáp á à à nhảy thậm thịch khỏi giường, thủng thẳng quảy đôi thùng tre trầm nhựa sơn xuống chân núi lấy nước.

Quơ chân tìm đôi guốc mộc dưới gậm phản, ông khêu to bấc nến,nâng chiếc ấm giỏ ủ chè xanh thái chỉ với sợi gừng khô bào mỏng tẩm mật ong mà mấy chú tiểu đã hãm từ hồi đêm nhấp nhấp giọng. Người nghệ nhân chuyên tạc tượng đá bỗng ngậm ngùi hồi cố quãng đời trai trẻ lúc mới được sư trụ trì đời 27 của chùa Chuông tuyển nhận. Vị sư trụ trì thứ 27 ấy là một trong năm vị trụ trì khi hoá có xá lỵ ngũ sắc hiện đang được để trong hộp gỗ huê nạm vàng đặt trong bảo tháp.

Tiếng chuông thỉnh trong âm âm sương sớm chưa kịp dứt thì tiếng mõ bắt nhịp của sự trụ trì đã khoan hòa gióng giả, nhất loạt các sư các tiểu a a cao giọng như là đang tụng kinh thầm suốt đêm bất giác  lúc này mới lên tiếng cùng nhau. Mỗi khi nghe âm thanh vô sắc vô màu vô lượng vô cữ của kinh nhật tụng ông bao giờ cũng cảm giác đó là những âm thanh duy nhất trường cửu của con người ngay cả khi trái đất bị tuyệt vong.

 

* * *

 

Người nghệ nhân già hướng về dãy nhà trước mặt. Không hiểu sao, hôm nay ông bỗng nghĩ đến vợ nhiều hơn ngày thường. Người đàn bà không sinh nở, nên lưng vẫn thẳng, ngực vẫn đầy, đi đứng khép nép, nhìn thẳng. Duy có mái tóc bạc thì buông xòa. Ông vì cái danh để đời,vì làng xóm họ hàng mà trở thành sãi chùa Chuông. Còn bà vì ông mà thành vãi chùa Chuông.

Nghĩ quẩn, nghộ nhỡ ông hai năm mươi trước thì hẳn bà cô độc lắm. Ngoài ông ra, bà giữ phép không dám trò chuyện cùng ai từ tiểu cho đến sư. Chùa trên núi, chỉ mùng một ngày răm mới có nữ thí chủ đến lai vãng, dẫu có muốn có người trò chuyện trầu cau, kinh tụng cũng phải đợi ngày, đợi giờ người ta đến.

Ông có việc của ông. Bà có việc của bà. Hai vợ chồng cùng sống một chùa nhưng cách riêng hai chỗ. Nhìn nhau từ xa không nói, mà biết thực. Đâ mấy mươi năm, tình nghĩa vợ chồng nhưng lại coi nhau như bằng hữu thí chủ.

Lưỡng lự, ông dừng bước trước căn phòng đầu hồi ở dãy nhà dành cho khách thập phương mà bà đã được ưu ái lưu trú từ đời sư trụ trì thứ 27. Bà làm người thu hái thuốc nam, quét lá quanh chùa, hướng dẫn các thí chủ cúng dường, thắp hương, nến bày đặt hoa quả cho đúng cách trên bàn thờ Phật. Đến thăm đường đột biết nói chuyện gì với bà ấy  nhỉ. Mọi sự ở đây của cả hai người đâu có sự nào đổi thay. Thôi hãy để bà được chợp mắt thêm giây lát,màn buông chùm chiếc giường đơn gỗ mộc, bàn thờ Phật trên chiếc rương nhỏ, trong góc đặt chiếc chứa toàn bộ xoong, nồi bát đĩa, muối dầu của hai vợ chồng. Bất giác ông thở dài nặng nề quay gót.

Bỗng sau lưng ông, tiếng bà khê trầm vì sương lạnh, nách cắp giỏ hoa đại ướt đẫm sương.

- Có vì việc gì mà ông mò đến đây sớm thế.

Ông lắp bắp.

- Không...không có việc gì...tôi...tôi tiện thì sang thôi.

- Nhất định có việc, ông nói dối mà không sợ Phật.

- Tôi sang xem cháo chín chưa. Lại cháo củ từ phải không bà.

- Chín thì tôi mang sang cho ông hoặc chú tiểu giúp việc mang sang ngay. Phận sự gì mà ông lằng nhằng ở đây nhỉ.

- Thôi tôi đi đây.

Người nghệ nhân già khấp khểnh bỏ đi.

- Này, quay lại tôi bảo.

Ông dừng bước nhưng không ngoái lại.

- Tôi xin. Bà khỏi cần căn vặn nữa. Chẳng là bỗng nhiên tôi nghĩ nhiều đến bà, nên tôi sang xem bà sáng nay như trông thế nào thôi.

Nói xong ông như người hụt hơi,vội vàng chúi đầu bước. Người đàn bà lặng đi hồi lâu.

- Thì tôi vẫn thế. Hôm nay ông có bị ốm không đấy.

Bà đặt giỏ hoa đại xuống thềm nói với theo.

-Chờ lát nữa bữa xong thì ông nhớ xuống ngay nhà tạc tượng trước, rồi mới xuống nhà đốt đèn. Tôi thấy sư trụ trì dạo này khác lắm. Ngày tạc tượng chắc không lâu nữa đâu.

 

* * *

 

Năm giỏ hoa đại lần lượt được móc treo trên mấy cành đại la đà. Tiếng chổi tre khoà trên sỏi khua đi đám lá đại khô quăn queo lẫn những đám lá rừng theo gió vương vãi vào sân nhà chùa. Đợi lúc hoe mặt trời, nhạt sương mù thì người đàn bà tóc trắng buông xoã sẽ cặm cụi xâu những bông đại thành chuỗi rồi vắt ngang sào trúc trước lan can xây đá bên bờ miệng vực hong khô nhờ gió nắng.

 

* * *

 

Thường thường việc đầu tiên trong ngày là ông xuống nhà tạc tượng chỉ bảo các tiểu nổi lò cách tôi chạm thép sao cho mũi thép giữ được độ bén ngọt lâu, và nhất là đầu chạm chịu búa không được toét dập thép hoặc quá cứng khiến mảy thép vỡ văng vào mắt. Đích thân ông chuốt lại từng chiếc cán búa gỗ kiêng sao cho thật mát khi vung tay, họng búa phải cắn vừa khít đầu cán và thanh nêm chỉ được mỏng bằng thanh đóm cật; đến từng mẩu gỗ vụn chèn đá, từng cuộn dây chão gai tẩm dầu để chằng buộc khi kê kích đá.

Tất cả những công cụ trên, nếu sau ba năm mà chưa sử dụng thì sư trụ trì lại ra lệnh tạo tác loạt mới thay thế. Những món đồ đó lại được đem xuống núi bố thí cho các thợ đá nghèo vùng Thạch Linh. Nhưng những món đồ bó thí thì chủ yếu là thừng chão, gỗ vụn chèn. Chạm thép, cán búa gỗ kiêng thì được cất kín trong các thùng rương chồng chất trong nhà tạc tượng.

Tiếp sau nhà tạc tượng là nhà đốt đèn.

 

* * *

 

Tiếng kinh tụng trong chính điện vừa ngớt, sự trụ trì cung kính se sẽ đến trước tảng đá ngũ sắc bái lạy, lần tràng hạt một mình, trước những ánh mắt tò mò lẫn thán phục của kẻ dưới. Tự ngài muốn tìm thấy thánh ý của bề trên ẩn chứa trong phiến đá. Ngày Phật Đản ngài cho phép người nghệ nhân lên chờ việc được xách giúp bình nước mưa pha tinh dầu để ngài dội lên tảng đá.

 

* * *

 

Hôm nay, cái trực giác rờn lạnh phả ra từ tấm phản gỗ kiêng cứ bán riết tâm trí ông một cách khó chịu. Dự cảm thấy thời gian không còn ưu ái với mình bao lâu nữa. Ông đã chờ đợi hơn sáu mươi năm một công việc mà chưa bao giờ biết có thể bắt đầu.

Ông biết mình sắp làm một việc động trời tương tự như việc cầm rìu chặt đổ cây lão tùng mà Sư Tổ trồng từ 700 năm trước đang sừng sững ngoài hiên kia. Nếu như hôm nay, ông không xác quyết một lần, thì có lẽ không bao giờ ông có thể cả gan làm việc ấy nữa. Sức trì níu thụ động của sáu mươi năm chờ việc và ba đời sư trụ trì sẽ trói buộc sẽ kìm giữ ông thành con người thụ động, nhưng đáng kính trọng của ngôi chùa bấy lâu nay.

Không đụng đến bát cháo củ từ bữa sáng, ông truyền chú tiểu giúp việc mang thau nước nóng vào lau người. Lục rương ông mặc bộ quần áo lụa được sư trụ trì thứ 27 ban cho nhân dịp 70 tuổi. Đầu chít khăn thủ rìu, tay chống gậy trúc, ông nhằm hướng trai phòng của sư trụ trì thứ 30 lần bước tới.

Sư trụ trì,ít tuổi hơn ông dăm niên nhưng là bề trên. Ngài đã đến đất Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề mà Thái tử Sidhartha đã từng ngồi. Giữa những trang kinh văn trên kệ mà ngài nhật tụng vẫn còn chiếc lá bồ đề mà ngài đã nhặt được dưới gốc cây thiêng ấy. Dĩ nhiên, ngài còn đến cả Nê-Pan. Người ta đồn ngài thông tinh lý số, đoán định mọi việc trước người thường cả tháng cả năm.

Ngài có duyên với chùa Chuông từ lúc để chỏm, nên không có việc gì của chùa là ngài bỡ ngỡ. Với công việc của ông và bản thân ông, ngài vẫn âm thầm giành cho những quan tâm thực dễ chịu, khi ấm trà ngon,khi mấy chiếc oản ngoại nhập và nhất là khoản chi mua thép tốt, than tốt, dây gai tốt thì không khi nào ngài tính toán.

Ông mới lần tới nửa chiếc sân lát đá nhám thì sư trụ trì đã ra hiên đón đợi.

- Chào thí chủ, xin rước thí chủ ngồi thưởng trà với bần tăng.

Người nghệ nhân già lắp bắp, khòm hẳn người xuống.

- Dạ, dạ không dám thất lễ.

Chưa kịp phản ứng nào khác thì đôi cánh tay của sư trụ trì đã ấn định vị trí cho ông trên khúc gỗ lũa làm ghế. Âm chén đất nung gan gà. Hoả lò than hoa gỗ nghiến. Nước pha chè là thứ nước lấy từ thân trúc bánh tẻ, cắt vạt ngọn, buộc vít cong xuống, dùng chính ống trúc hứng đầu ngọn trúc qua một đêm thì được khoảng lưng bát ăn cơm thứ nước trong lẻo thoang thoảng mùi rừng đại ngàn sau mưa.

Mỗi đêm các sư tiểu phải cắt khoảng hai chục cây trúc bánh tẻ thì đủ nước cho sư trụ trì pha che cả ngày.

Có điều quan hệ nhất là việc chọn cây trúc thật đúng bánh tẻ thì nước mới thơm ngọt. Cây non quá, nước có vị the đắng, cây già quá một chút thì nước nhạt, chua. Trong khi đợi các ống trúc nước sôi lăn phăn, sư trụ trì phẩy tay, một chú tiểu lễ mễ kính cẩn bê ra chiếc mâm đồng thau bóng loáng bày dăm chục chiếc vỏ ốc sên nuí trắng toát như những chiếc kẹo hình tù và đặt ngay ngắn trên kệ trước mặt giữa hai người.

Trong lòng mỗi vỏ ốc là một búp chè San mập trắng như ngọn mùng tơi sau mưa thuôn thuôn cuộn xoáy về phía đít ốc đã được chặt thủng. Các chú tiểu cứ mỗi tuần một lần đi kiếm vỏ ốc sên quanh núi rồi trèo lên những cành chè San úp vào những mần chè mới nhú. Nửa tháng sau, họ quay lại bứng cả búp chè lẫn vỏ ốc.

Sư trụ trì đưa hai ngón tay trắng mịn mảnh như của đàn bà nhón từng chiếc vỏ ốc sên ngậm búp chè đặt lên lớp than hoa đang toả nhiệt. Những chiếc vỏ ốc từ từ bốc khói rồi hồng rực lên trước khi chuyển sang màu trắng phấn. Vỏ ốc được nhấc ra bày lên đĩa gốm, một cái búng nhẹ, vỏ ốc rã tan như vôi bột để lộ ra búp chè San ngà ngà xanh quăn queo. Búng vỡ mười vỏ ốc được mười búp chè San xao khô, sư trụ trì vén tay áo thả từng búp vào chiếc ấm đất vừa thau nước nóng hôi hổi.

Từng tiếng lanh canh của búp chè khô ron bâng khuâng va đập vào thành ấm sành rõ mồn một chen ngang nhịp thở chậm chậm của hai người già trong lênh loang sương sớm. Nước sôi chuyên vào ấm từ từ miệng ống trúc cháy xém. Hương chè thơm ngát dâng dâng. Người nghệ nhân già bỗng nuốt khan cái hương tinh khiết tao nhã của chè.

Nắp ấm đậy vội. Chiếc ấm được ủ trong mớ tơ tằm rối trong khoảng thời gian đủ uống cạn chén nước. Hai chiếc chén mắt trâu được sấy nóng bên hoả lò đợi sẵn. Sư trụ trì liền vạch vòi ấm hé lộ khỏi đám tơ rối, khẽ nghiêng tay. Tia nước toả khói xoáy đúng lòng chiếc chén nghe xèo xèo. Màu nước chè San cách này, có màu tựa mật ong khoái quan hay màu rượu cô-nhắc lâu năm của Tây dương.

Bốn bề ban mai chỉ còn hương chè khống chế.

Sư trụ trì nâng chén trà bằng hai tay.

- Xin thí chủ hạ cố thưởng lãm cho bần tăng thoả chí.

Run rẩy người nghệ nhân bưng đỡ chén trà mà rưng rưng. Ông lão không dám uống ngay mà chỉ dám khẽ chạm môi nơi miệng chén rồi xoay xoay chén nước trong lòng tay.

Sư trụ trì, ưỡn thẳng bàn tay phải, đặt chén nước ngay ngắn chính giữa các giao lộ của các đường vân và hơi cúi xuống. Tay kia vẫn không ngời lần chỗi tràng hạt ngà vôi. Lúc sư trụ trì ngẩng lên cánh mũi một chút xao động còn chén trà đã nguội ngắt, loãng nhạt như thứ nước vô hồn. Chú tiểu đứng hầu vội vàng mang chén trà nguội hắt xuống gốc trúc. Sư trụ trì định thần, nhắm mắt giây lát rồi gật gù.

- Quả là linh diệu. Đức Phật đã ban cho con người quá nhiều thứ lạ kỳ để thưởng lãm. Nhưng tiếc thay con người đã mấy khi nhận ra cái có ở trong cái không.

Chén thứ hai rót tiếp.

- Thưa trụ trì, thứ trà này...con tò mò quá. Nó có tên không ạ.

- Tên à. Thí chủ cần biết tên thứ trà này à. Ta thì ta gọi nó thạch ốc trà. Còn thí chủ thích gọi trà này bằng tên gì cũng được. Cũng như thí chủ, dẫu có gọi là tên gì thì vẫn mang bản ngã của thí chủ. Khác mà không khác. Không khác mà lại là khác vậy.

Người nghệ nhân già chắp tay trước ngực định thưa điều gì. Nhưng sư trụ trì lại mắt nhắm nghiền định thần.

- Thí chủ đã tạc tượng Phật Tổ sáu mươi năm nay còn gì. Ngày nào, đêm nào mà thí chủ chẳng làm việc ấy.

- Nhưng...nhưng con lên đây là để...là để...

- Tạc mà không tạc. Không tạc mà lại là tạc.

- Chẳng hay con không có cơ duyên để làm việc ấy.

- Duyên thì thí chủ đã sẵn, nhưng cơ của thí chủ còn ở phía trước.

- Chẳng nhẽ con còn phải chờ. Thưa con đã chờ sáu mươi năm lẻ rồi. Tại sao con phải chờ cái công việc của người trần mà đáng lẽ ra con làm xong lâu rồi.

- Chờ hay không chờ có khắc gì nhau. Thí chủ không chờ việc này thì hẳn vẫn phải chờ cái khác kia mà.

Người nghệ nhân già nhẫn nhịn cúi đầu đăm đăm nhìn chén trà, rồi bạo dạn ngẩng lên.

- Có một điều này con cũng muốn hỏi luôn cho ra nhẽ. Mong trụ trì thật lòng cho con biết.

Sư trụ trì hơi biến sắc,nhưng rồi mỉm cười độ lương.

- Ta có mỗi một tấm lòng. Tại sao ta lại không thật với thí chủ nhỉ.

Tợp một gọn chén trà, người nghệ nhân hắng giọng.

- Nếu cơ duyên của con đến bây giờ thì con sẽ được tạc tượng Đức Phật hay tạc tượng Sư Tổ chùa Chuông ạ.

Trụ trì ngừng tay lần tràng hạt, nhan khí chuyển dịch. Ngài thở dài phất tay áo đứng dậy.

- Cuối cùng thì ngươi đã hỏi ta câu hỏi ấy. Câu hỏi của bao nhiêu người trước ngươi đã hỏi. Tiếc thay, dẫu ta trả lời câu hỏi này của người, thì người cũng không đủ đức tin để tin vào lời ta.

 

* * *

 

Người nghệ nhân già thảng thốt rời bàn trà trước trai phòng trụ trì, khi tĩnh tâm, ông thấy mình đang đứng trong căn nhà hầm đốt đèn. Sao ông lại lao đầu vào chỗ này mà không phải là nhà tạc tượng. Có lẽ cơ duyên của ông mãi mãi là làm công việc phụ này như suốt sáu mươi năm qua ông đã làm. Rút cuộc thì sự nổi loạn của ông cũng không gây nên sóng gió gì ghê gớm. Nhưng ông biết chắc sư trụ trì sẽ còn chưa cho qua chuyện này.

Hai trăm ngọn bấc tẩm nhựa thông, nhựa trám chia làm hai dãy cháy âm ỉ ngày đêm trong căn nhà đào âm xuống sườn núi tránh gió. Muội khói nhựa thông, nhựa trám là nguyên liệu chính dùng làm mực chép kinh, phần dùng để bán dưới chợ phiên. Những thỏi mực có kích cỡ thỏi bạc ném lóng lánh dấu nhũ hiệu của chùa Chuông không những nổi tiếng khắp các lò học kinh thành Thăng Long mà được thương lái người Hoa cất buôn ngược về Tàu.

Ông ngỡ mình lên núi là để phụng sự cho những điều bất tử nhưng rồi sức lực lại tiêu dần vào muội khói đen. Chán nản vì cứ sắp ra đặt vào những chạm, những búa sắt những dây thừng, ông tỉ mẩm tìm ra công thức độc đáo của thứ mực mang thương hiệu chùa Chuông. Mực mài mòn đều, lỳ mặt, nhanh khô, thơm dịu, không phai khi ngâm nước, ánh đen nhức, ánh xanh đen, ánh nâu đen đều có cả.

Bí quyết là ở sự pha trộn tỉlệ muội khói nhựa thông với muội khói nhựa trám, rồi đánh keo, rồi ủ mực, hong mực. Đặc biệt là thứ keo kết dính, để khi nén mực vào khuôn, thỏi mực phải rắn chắc, thật tay phát ra âm thanh côông côông khi hong khô va nhau. Keo mực thông thường người ta nấu từ da trâu bò, sang nữa là da dê da lợn. Nhưng vì mực ở nhà chùa sản xuất nên ông không dám tự tiện dùng những thứ ô uế ấy. Ông đã dùng một loại nhựa cây mà đân gian vốn vẫn dùng làm keo trong việc chế tác giấy bản, giấy điệp để thay thế.

Đáng lẽ bàn tay ông mỗi ngày phải nhuộm đầy bụi đá ngũ sắc, thì nó lại đen thui vì muội khói. Hai bàn tay có thì suốt ngày vầy vò nhào nhào đập đập nhồi nhồi những khối mực ướt trên bàn đá cho thuần nhuyễn. Âu cũng là cái số đã định vậy.

Mỗi bấc lửa tẩm nhựa cây được một phễu đồng úp phía trên chặn giữ lại nhừng li ti muội khói quí giá. Muội khói nhựa thông nhẹ hơn cả phấn hoa, chỉ cần một hơi thở nhẹ có thể làm bùng lên cả quầng mây đen bời bời bởi muội khói. Mỗi chú tiểu dùng thìa cắt từ mo cau ngâm nước vét muội khói từ những chiếc phiễu đồng vào chiếc thẩu đan cật tre nhỉnh hơn quả bòng đeo trước ngực. Khi thẩu muội đầy thì dồn cả vào chiếc thẩu lớn trong góc nhà đợi ngày luyện mực.

Ông trầm ngâm bước tới bước lui trong căn nhà hầm ngùn ngụt khói.

Một chú tiểu lễ phép khoan tay đến trước mặt người nghệ nhân già.

- Bẩm cụ đã hết keo luyện mực rồi ạ.

- Sao không vào rừng mà kiến.

- Bẩm trên núi không còn thứ cây ấy nữa ạ.

- Đi kiếm núi khác.

- Cũng không có ạ.

- Vậy thì chờ đấy.

- Nhưng không chờ được ạ. Đã hẹn khách ngày xuất. Binh tình này có khi phải thay bằng keo da trâu thôi ạ...

- Láo nào. Trụ trì mà biết sẽ tuốt xác cả lũ các ngươi.

Bỗng một tràng ho thúc thắc, sư trụ trì lên tiếng trong góc tối.

- Chẳng có trụ trì nào tuốt xác các ngươi cả. Cứ xuống núi mua da trâu về mà thay thế cho kịp mối hàng. Ta cho phép.

Người nghệ nhân già cuống lên.

- Thưa trụ trì! Như thế không đựoc ạ. Hoen ố hết mất ạ.

- Ta không sợ hoen ố mà thí chủ sợ hoen ố hà cớ làm sao nhỉ.

Cổ họng khô ran, ông bỗng ôm ngực ho thốc. Trụ trì lướt qua như đám mây vàng,khẽ nói.

- Trước bữa tối thí chủ nhớ đến trai phòng ta có việc.

 

* * *

 

Một trăm linh tám ngọn nến toả sáng trên một trăm linh tám đầu cây gậy trúc cắm quanh vách trai phòng. Kỳ trầm ngun ngún cháy trong lư đồng khảm tam khí. Những chiếc lá sen xanh tơ, cuống thẫm vành nhựa trắng trải đều trên mặt sập. Trên mỗi lá sen to lại có một lá sen nhỏ đựng một món đò nhắm, được buộc túm lại bằng một sợi rơm nếp. Bát gỗ. Đũa gỗ. Rượu nếp cái hoa vàng đựng trong những ống sậy đá, bó thành bó như  người ta vẫn bó những khúc cây phát lộc ngâm trong bát nước. Mỗi ống sậy áng chừng rót vừa khẳm một chén ngọc ngũ sắc to bằng trái trứng chim câu.

Ngồi xếp bằng trong bộ quần áo lụa nâu phơ phếch bạc, bậc trụ trì mong manh mà gân guốc, chuyển động mà nhu mì, ánh mắt bao trùm người nghệ nhân. Nhà sư rút hai ống sậy, trịnh trọng chìa ra trước mặt nghệ nhân một ống.

- Mời. Hôm nay hai ta thi thố với nhau tửu lượng xem ai hơn ai.

- Bẩm, con không dám tiếp nhận ý ấy.

Người nọ quan sát người kia, chưa ai tháo cái nút bấc để rót rượu. Nhà sư khoát tay, bóng chú tiểu hầu rượu lướt ra ngoài nhanh như gió luồn qua khe cửa.

- Trước ta cũng chỉ là đứa trẻ côi cút. Ông đã chứng kiến ta thăng tiến từng bậc ở ngôi chùa này. Thôi hay bỏ qua hết mọi sự. Hôm nay ta với ông là hai người bạn gần mặt nhưng cách lòng, giờ chúng ta làm hai nông phu.

Những túm lá sen mở ra lần lượt. Bên trong là những nụ sen hàm tiếu bọc đồ nhắm.  Mùi thịt chó, mùi thức ăn chay lộn nhào trong hương hoa sen . Thất sắc, nghệ nhân cúi rạp, phều phào.

- Bạch thầy, chẳng hay thầy không tin con mà còn thử thách con cách này.

Nhà sư nhếch nét cười buồn.

- Nhà chùa thử thách thì có nghĩa lý gì so với sự thử thách của Đức Phật. Nhà chùa không dám mạo muội.

Với tay, nhà sư cầm ống sậy của nghệ nhân rút nút bấc, xuống rượu vào hai chiếc chén ngọc.

Nghệ nhân cảm động vội nâng chén cho nhà sư. Chén chạm chén một khắc. Lạ lùng, cho thứ rượu như nước dừa non ngâm lâu trong giếng lan tràn cái mát ngọt khắp khoang miệng, thấm suốt qua thực quản đến tim não hồi lâu mới thấy bừng bừng khí huyết bốc lên mắt sương sương.

Nhà sư hai tay cầm hai túm lá sen.

- Ông chọn bên nào.

- Bạch thầy, con không dám chọn. Con dùng đồ chay.

Nhà sư chìa hai lá sen trước mặt.

- Vậy ông nhận phần về cho mình.

Nghệ nhân vạch túm lá sen.

Nhà sư bình thản.

- Ông chọn đậu phụ luộc. Thịt chó ông để lại cho ta. Vậy là ông đổ thừa tiếng xấu cho ta đấy nhé.

Điềm nhiên nhà sư cầm đũa gắp miếng chả chó. Cái miệng nhai của nhà sư nhai thịt chó như nhai rau dại.

Nghệ nhân chấm chấm miếng đậu trắng lên rúm muối ớt ngẫm ngợi thêm về ý tứ câu nói của nhà sư. Xắn nửa vuông đậu trắng bỏ tọt miếng  vào miệng, ông nhai hờ hững, ể oải. Bỗng nghệ nhân, bưng miệng tái xanh.

- Trời ơi. Đậu phụ sao lại biến thành thịt chó.

Nhà sư cau mặt, ăn thử nửa vuông đậu trắng còn lại, liền nói

- Đậu trắng.

Nghệ nhân đành phải rướn cổ nuốt như nuốt một túm gai bồ kết. Ông phân vân, hẳn phải có chuyện gì không bình thường. Không thể đổ thừa cho sư trụ trì đã lỡm ông. Nhân cách của sư có hắt vấy hắc ín cũng không bán lên cà sa.

- Ông có muốn nếm thử thức nhắm của ta không.

Nhà sư liền bóc một nụ hoa sen, bên trong đài sen vàng hươm vẫn là miếng chả chó chím tới, đầy đủ mùi vị riềng mẻ. Không thể chối từ, nghệ nhân ăn miếng chả chó. Nghệ nhân lại kêu lên.

- Trời ơi. Thịt chó sao lại biến thành đậu phụ.

- Tại người cả thôi. Tuy ăn đậu phụ nhưng tâm người hướng đến thịt chó. Ta ăn thịt chó nhưng tâm hướng tới đậu phụ. Đạo ta chẳng dạy điều đó sao. Ăn mà không ăn. Không ăn mà lại ăn.

 

* * *

 

Năm ấy làng Thạch Linh nháo nhác hay tin sư trụ trì chùa Chuông sẽ xuống núi tuyển nghệ nhân lên núi tạc tượng. Đây là một vinh dự đặc biệt không cho những riêng người được tuyển trạch mà còn là tiếng thơm cho cả làng cả tổng. Đã 700 năm, mỗi một trăm năm có bốn, năm lượt người lên chùa Chuông chờ ngày tốt để tạc tượng. Đã bao lượt người được tuyển trạch lên núi, nhưng tất cả vẫn đều phải chờ. Những nghệ nhân tài hoa bậc nhất lên núi lúc còn trẻ và chết già ở trên đó. Thân xác họ không bao giờ về làng nữa. Nghe nói cái xác phàm của họ được hoá tro chôn dưới cây lão tùng mà Sư Tổ đã trồng ngày trước.

Cách tuyển trạch nghệ nhân lên núi các sư trụ trì ngoài phải tuân thủ đề chính thức được chân truyền thì mỗi vị có thể ra một đề thi phụ. Đàn ông ứng thí đủ tuổi 18 giới hạn đến 45, cao ráo, cân đối, tai to, mắt sáng, miệng tươi, răng không gẫy rụng, đi đứng khoan hoà, không phân biệt có vợ hay chưa. Trong một canh giờ, người nghệ nhân phải đục xong một đôi mắt hoặc hai bàn tay trong tư thế bất kỳ, để người ta nhận biết được chủ nhân của đôi mắt hay đôi bàn tay ấy đang ở trong trạng thái nào của ái, ố, nộ, hỉ.

Và người nghệ nhân già đang chờ ngày tạc tượng hiện nay của chùa Chuông, tuy đứng ba trong những người được chấm nhưng ông lại đứng đầu ở phần đề thi phụ. Bị bỏ đói một mình trong hang núi ba ngày, sau đó mỗi kẻ trúng cách được phát một túi hạt vừng rang chín tới trong túi vải.

Nửa ngày sau sư trụ trì cho giọi từng người lên hỏi đã làm gì với túi hạt vừng rang ấy. Người thì nói không giữ được mồn đã chót ăn hết, kẻ thì không dám động tới vẫn để nguyên trong tay. Nhưng ông thì trả lời sư trụ trì rằng mình đã đếm túi hạt vừng rang nhưng đếm chưa xong, và đã chót để rơi xuống kẽ đá mất ba hạt.

Sư trụ trì trầm ngâm hồi lâu rồi xoa đầu chàng trai trẻ.

- Chỉ có con là xứng đáng nhất. Con lên ở với ta.

Cả làng sướng ngất khóc oà. Bao đời rồi, nay Thạch Linh mới có thợ giỏi trúng cách lên chùa Chuông. Lý trưởng hạ lệnh mổ trâu, ngả lợn khao làng ba ngày và cúng chùa liền ba năm nhang đèn hương nến.

Làng vui, họ nội, họ ngoại người trúng cách vui. Riêng chàng trai tuy vui nhưng hơi gượng, bởi chàng đã nhận ra đôi mắt ầng ậng nước của người vợ trẻ mới cưới được nửa mùa xuân.

Suốt tuần trước khi được người nhà chùa rước lên núi, chàng trai đi đến chỗ nào dân làng cũng bày rượu đãi đằng. Tối mịt mới lần được về đến nhà, chàng được vợ dìu lên giường trong tình trạng chân nọ giậm chân kia. Vợ chồng chưa kịp xoay ngang xoay dọc thì chàng đã lăn ra ngáy pho pho. Ba ngày cuối, lý trưởng đích thân đến kèm chàng ra đình làng trai giới ngủ kèm.

Khi lên núi rồi, tuy không có nghĩa vụ kiêng cữ nhưng dần đần tình thế buộc chàng phải ăn, ở sinh hoạt như người nhà chùa mới phải phép. Bởi hôm nào chàng đụng đến đồ mặn, là các tiểu, các sư trong chùa lánh mặt chàng như thấy hủi. Những cái mũi chun lại hít hít đánh hơi, những cái miệng thi nhau khạc nhổ từ xa. Núi cao có ai là người phàm, ngoài chàng ra. Ba tháng chàng đựoc xuống núi về thăm vợ một ngày đêm, nhưng khi lên núi thì không được vào chùa ngay mà phải ngụ ngoài tam quan sương gió một ngày một đêm cho hả hết hơi đàn bà. Đã thế, khi chàng hết cứ kiêng bước qua cửa chưa kịp buông tay nải, thì các sư tiểu a lại sờ sờ nắn nắn khắp người rồi lắc đầu le lười:

- Mới có một ngày mà xộc xệch nhão nhoét thế này thì sức đâu mà đục với đẽo tượng sư với tượng Phật nữa.

Chính vì sự nhiễu ấy chàng ngại xuống núi.

Vợ ngóng lâu chẳng thấy tăm chàng đành lòng quẩy gạo nếp, gà tơ lên núi thăm chồng. Làm gì có chỗ cho trai gái tình tự ở đất nhà chùa. Đội vợ chồng trẻ đành đưa nhau xuống lưng núi kiếm một hốc đá. Và, sau lần đó không hiểu sao tự dưng người chồng trẻ mất khả năng tính giao. Mọi suy đoán nguyên do về sự mất mát ấy đều có sở cứ: Do căng thẳng, do thiếu chất, do phạm phải luật nhà chùa.

Người vợ muốn chồng xuống núi chữa bệnh. Nhưng người chồng lại không thể rời chùa Chuông. Cái danh vọng quá lớn nếu như cơ duyên được tạc tượng cho chùa ngày một ngày hai tới. Người vợ đành bỏ ruộng nương, lên lưng núi dựng quán hàng bán hương nhang hoa quả nước uống cho khách viếng chùa để tiện thuốc thang lá lẩu nhì nhằng cho chồng.

Mỗi buổi tối đợi chồng cạn bát thuốc sắc, thì người vợ trẻ cũng bưng bát nước lá rau răm tươi một hơi ực cạn.

 

* * *

 

Những cánh hoa sen tơi tả.

Những lá sen nát bầm.

Những ống trúc nát dập.

Những mảnh ngọc vỡ lóng lánh sắc màu.

108 ngọn lửa nến run rẩy,liêu xiêu trên 108 thân trức.

Sư trụ trì ngồi tư thế kiết già, lôi trong ngực áo ra túi gấm run rẩy giơ lên trước mặt, nước mắt giàn rụa. Trụ trì nghé môi hôn túi gấm thành kính. Chiếc túi gấm, đựng vật gì đó bí hiểm. Tuy chỉ nhỉnh hơn chiếc tẩu thuốc, nhưng nghệ nhân lại cảm giác nó có sức nặng của trái núi Chuông. Vật đó được bọc trong bay lần túi gấm, mỗi lần mở một túi, nhà sư lại một lần hôn lên vật trong đó.

Vật đó khi nằm trong ba lần túi gấm mà còn phát ra ánh quang rực hồng. Chỉ còn một lần túi gấm, thì nhà sư không dám cởi miệng túi ra nữa. Trong ánh quang phát tác, nghệ nhân vẫn nhận ra chân dung một nhà sư bằng hồng ngọc, áo lộ chéo nửa người, ngồi kiết già, một tay nắm, một tay chỉ, kê trên hai phần ống quyển khép gập.

Nhà sư bỗng đập đầu xuống đất, khóc chảy máu mắt, lắp bắp cất lời nhưng những lời nói của nhà sư như bị ai đó bịt lại.

 

* * *

 

Người nghệ nhân bước liêu xiêu, gõ cửa phòng nơi đầu hồi nhà dành cho khách viếng chùa. Cánh cửa phòng nặng nề rít lên. Lửa nến lập loè.

- Ông say quá rồi, ai bảo ông phát thệ, mà đầu không còn sợi tóc nào thế.

Tiếng người nghệ nhân già lè nhè.

- Tôi không phát thệ thì làm sao tạc được tượng Phật.

Nói xong ông ngã nhào xuống chiếc giường gỗ mộc, níu cả bà vợ già ngã theo. Trong ông bỗng hừng hực tuổi thanh xuân một cách ma lực. Tuổi mà ngày ấy, mỗi đêm gần vợ ông phải nghỉ mất buổi cày. Sức lực ấy đột nhiên biến mất, đột nhiên rời bỏ ông suốt cả cuộc đời. Nó vụt trở về thật không đúng lúc. Ông không thể dùng nó, mà người vợ già lẽo đẽo theo ông lên núi hòng giúp ông tìm kiếm lại nó, thì hơn ai hết lúc này càng không biết để làm gì.

- Bà ơi, Tôi xin lỗi bà. Tôi thương bà...tôi thương...

- Trời ơi, ông có về ngày trai phòng đi không. Các sư nhìn thấy thì mặt mũi nào nữa. Tại sao ông bỗng dưng đổ đốn thế này. Trời là trời khổ cho thân ông...

 

* * *

 

Ba hôn sau, người nghệ nhân già lên núi Chuông chờ tạc tượng đã mồ yên mả đẹp giữa lưng núi. Ông bị trúng phong một cách khó hiểu. Người làng Thạch Linh lấy cớ ông xa làng lâu, mà cũng không có công trạng gì, nên không cho chôn ở làng. Còn lệ chùa Chuông không thuộc người của chùa thì cũng không được cấp sinh phần ở chùa.

Nghe mấy tiểu kháo nhau, hôm đưa xác người nghệ nhân xuống núi, sư trụ trì lẩm bẩm khi vuốt đôi mắt mở trừng trừng của người sãi.

- Tôi chỉ là người không có huệ năng. Tôi không hiểu thấu thánh ý người đi trước. Người đi trước tôi cũng truyền lại không rõ ràng, mà cũng chỉ chỉ tay vào bức tượng hồng ngọc mà thôi.

Về sau còn lời thiên hạ bàn định như sau: Do không biết xác quyết việc chùa Chuông nên tạc tương Phật Tổ, hay là tạc tượng sư tổ. Mà sự tổ người thì bảo phải tạc tương vua Trần Nhân Tông, vì Trần Nhân Tông mới là sự tổ thực sự của chùa Chuông. Người thì bảo phải tạc tượng người trưởng giám quan của ngài mới phải. Vì người trưởng giám quan mới có công tạo dựng chùa Chuông.

Lời bàn định vắn tắt có vậy.

Hơn tháng sau, sư trụ trì cũng tự nhiên cấm khẩu rồi viên tịch. Di trúc, ngài yêu cầu không được đưa ngài vào bảo tháp. Nhưng người ta long trọng làm lễ thiêu xác ngài. Tuy Ngài không để lại viên xá lỵ nào, nhưng hộp tro vẫn đặt nơi trang trọng của bảo tháp chùa Chuông.

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook