CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch

TRIỂN LÃM ĐÔNG DƯƠNG - NHỮNG LÃNH THỔ VÀ NHỮNG CON NGƯỜI

Chủ nhật ngày 5 tháng 1 năm 2014 12:00 AM

Viện bảo tàng quân đội Paris ngày cuối năm lặng lẽ với cuộc triển lãm «Đông Dương, những lãnh thổ và những con người 1856-1956» (Indochine, des territoires et des hommes – 1856-1956).

Không gian thanh đãng dẫn lối vào cửa Bắc. Thảm cỏ non lịm ngút xa như muốn làm vơi sắc lạnh chiến tranh toát ra từ hàng trăm cỗ súng thần công khổng lồ đen sắt, dàn ngang chĩa vào khoảng trống, nhưng không hề làm suy giảm vẻ uy nghi kiêu hãnh của tòa nhà đồ sộ mang phong cách kiến trúc baroque. Từng khối cây xanh cắt tỉa đối xứng khuôn nghiêm như lính gác trước sân. Đỉnh vòm tháp dát vàng giữa khói u mây lạnh mang hình dấu thập tự của nhà thờ Saint-Louis thuộc Điện Invalides dường như tỏa ánh chiếu xuống những phiến đá xám ngậm sũng mưa. Vòm bán nguyệt cổng chính bảo tàng mở vào sân điện Hoàng gia như cung khải hoàn khắc nổi gương mặt vua mặt trời, ôm lấy khối tượng vua Louis XIV oai liệt trên lưng ngựa. Những biểu tượng mang lại cảm giác thiêng liêng tự hào cho người công dân Pháp.



Ảnh 1: ảnh tư liệu của bảo tàng quân đội
 .

Nhưng khách tới bảo tàng quân đội thăm triển lãm hôm nay trĩu vẻ ưu tư sắc mặt. Không rồng rắn huyên náo như hàng người đến bảo tàng Louvre, Orsay hay Quai Branly. Những người đến đây hầu như ít nhiều đã biết đến, có liên quan hoặc từng trực tiếp góp phần làm nên lịch sử Đông Dương. Những gương mặt Á châu thầm lặng chen lẫn các sinh viên trường sĩ quan quân sự cao cấp Saint-Cyr đến với tư cách cá nhân...



Quan phục của Nguyễn Tri Phương (trái)
 

Sự thật lịch sử chỉ có một, nhưng được nhìn nhận và đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau. Lâu và rất lâu sau, nỗi đau Điện Biên Phủ vẫn là điều không lý giải nổi đối với người Pháp. Tại đây, nước Pháp không chỉ là nạn nhân của sự thất bại về quân sự mà còn bởi những mâu thuẫn trong đường lối ngoại giao. Mặc dù vậy, dẫu cay đắng nhưng người Pháp tỏ ra tự tìn và khách quan khi tiến hành cuộc triển lãm. Họ đã cố gắng tập hợp những hiện vật và tư liệu từ nhiều nguồn: ca ngợi có mà phê phán cũng có. Mỗi tư liệu là một dấu ấn đẫm máu và căm hận. Mỗi hiện vật là bằng chứng của một cuộc lùng sát, bắt bớ hay càn quét. Mỗi biểu tượng thể hiện sự phát triển ý tưởng quân sự của hai phía đều xứng đáng để quan tâm. Chúng góp phần tái hiện lại lịch sử và quan điểm của tất cả các chủ thể trong suốt thế kỷ sắt máu.

 

Triển lãm trình bày đề tài trình tự theo thời gian và chủ đề thông qua lịch sử quân sự, khởi đầu bằng cuộc xâm chiếm của quân đội Pháp tới quá trình thực dân hóa trong có các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Mỗi yếu tố liên quan mật thiết với nhau đều được phân tích kỹ lưỡng.

Cuộc triển lãm lật ngược lại quá trình từ việc thăm dò, đến chiếm lĩnh rồi khai thác ba lãnh thổ: Việt Nam, Lào và Cam pu chia. Bán đảo Đông Dương đã hình thành nên những số phận con người, gắn liền với những sự kiện, trong đó con người vừa là tác nhân, vừa là đối tượng chịu tác động.



Khẩu canon quân Pháp chiếm giữ được tại pháo đài Vĩnh Long ngày 23/03/1862 
 

Một thế kỷ Pháp tại Đông Dương được phục dựng bằng tranh vẽ, họa đồ, bản đồ, ảnh, phim thời sự đen trắng cùng hơn ba trăm hiện vật tiêu biểu gây ấn tượng. Có những tư liệu hay hiện vật mới chỉ được công bố lần đầu tiên. Không khí trang nghiêm mà hình như váng vất tiếng rên xiết lầm than, lẫn oang oang tiếng mõ tiếng loa chiêu mộ lính đến tiếng reo hò bên thắng trận. Vết loang trên cờ hiệu các tiểu đoàn, trung đoàn khiến người ta tự hỏi là vết mưa hay vết máu? Những gương mặt trăng non của những nữ cảm tử quân… Có cụ già mang ghế ngồi lặng hàng giờ trước các tấm áp phích. Rồi ai đó trong đám khách tham quan ngập ngừng run kể về cuộc trốn chạy Việt Minh của chính mình. 

 

Với những người như tôi, triển lãm là dịp ngoảnh nhìn lại một phần lịch sử dân tộc mà chiêm ngẫm. Nhưng với những đứa trẻ gốc Việt như các con tôi, chưa từng biết đến chiến tranh, sinh ra và được dạy dỗ ở Pháp như một công dân Pháp, chỉ mong ước cho chúng hiểu và tự hào về xứ sở cội nguồn.


./.

 Những hình ảnh kỷ vật của cuộc chiến trong triễn lãm,
 những số phận đã được tôn vinh hay còn chìm lấp giữa khói bụi lịch sử mong sao sẽ được hiển lộ trong tim dân tộc.



An Nam đại quốc họa đồ - 1838



Chuông tại chùa Tuyên Quang do người Pháp chiếm được 



Nguyên văn: Mộ lính để giúp về việc y viện và lính thợ để làm ở các xưởng pháo thủ bên tây.

Tiền thưởng lúc đăng lính là hai mươi đồng bạc
Tiền cấp cho nhà có người đăng lính là mỗi tháng ba đồng bạc
Ăn lương mỗi ngày độ ba hào
Những lính thợ vào làm việc giỏi được thưởng thêm
Được đồ ăn đồ uống quấn áo chỗ ở
Được kể vào hạng miễn sai, được danh vọng

 



















Hãy cứu họ thoát chết - 52 người nổi loạn tại Yen Bay





Báo Nhân loại: Điện Biên Phủ đã mất!


  

Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook