CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nghiên cứu - Phê Bình

HOÀNG TUẦN CÔNG VÀ TÔI

Thứ tư ngày 25 tháng 10 năm 2017 12:00 AM
Tôi không có ý định nói ra rằng mình đã từng dạy Hoàng Tuấn Công, nhưng vì trong bài báo “Có một hàn sĩ xứ Thanh” nhà báo gạo cội Xuân Ba đã trót tiết lộ ra chuyện này, nên tôi đành nói thêm để mọi người hiểu đúng. Trong bối cảnh cuộc trao đổi về cuốn sách của Hoàng Tuấn Công diễn ra sôi nổi, đã có nhiều sự ngộ nhận, hiều nhầm. Một số người cho rằng HTC hỗn láo với cụ NL, một nhà giáo cao tuổi, lừng danh… 

Tôi đăng 2 thư điện tử này, một HTC gửi cho tôi và một tôi trả lời HTC (cách đây hơn 3 năm) để mọi người có thêm thông tin và thử nghĩ: người viết thư gửi tôi như thế liệu có phải là một học trò không trân trọng các bậc thầy của mình? (tôi chưa hỏi HTC xem có được đăng thư riêng không, nhưng vì thấy Xuân Ba đã kể nên chắc Công cũng không phản đối gì).

 

1. THƯ CỦA HOÀNG TUẤN CÔNG

Vào ngày 14:29 Thứ Hai, 24 tháng 2/2014, Cong Hoang Tuan <tuancong 2010 @ gmail. com> đã viết:

Chắc thầy rất ngạc nhiên khi nhận được một phúc đáp với xưng hô như vậy. Tuy nhiên, thầy là Thầy của em (Hoàng Tuấn Công) với đầy đủ ý nghĩa của nó. 
Năm 1988, em vinh hạnh được là học trò của Thầy ở lớp ôn thi đại học đặt tại nhà bác sĩ Sánh (phố Phan Bội Châu) TP Thanh Hóa. Lớp học được 2 tháng sau Tết, em mới xin được vào. Lớp đã đông, mọi người phản đối, không muốn tiếp nhận thêm. Nhưng thầy Bình dạy sử (vì bố em đã nhờ) vẫn tiếp nhận. Các bạn trong lớp nhìn em ái ngại ( Một cậu nhà quê, vào lớp trong một hôm mưa dầm rét mướt sau Tết, quần áo lôi thôi, khuôn mặt có vẻ đần đần. (Học sinh ở đây phần lớn dân chuyên văn Lam Sơn hoặc ở TP) . Hai tiết học đầu tiên em học với thầy Bình, hai tiết cuối là giờ học văn đầu tiên với thầy Thống. Em hồi hộp chờ Thầy. Thầy xuất hiện thật ấn tượng với mái tóc và sự lịch lãm. Thầy nói: "Hôm nay tôi bận, nên ra đề cho lớp về làm, tuần sau sẽ giảng. Em Thủy (lớp trưởng) thu bài và chuyển qua nhà thầy nhé". Đề văn thầy ra là phân tích về chi tiết cái cửa sổ "mờ mờ trăng trắng, nhìn ra không biết là sương hay là nắng" của Mị trong "Vợ chồng A Phủ". Em khoái ngay. Vì chưa được làm đề kiểu này bao giờ.
Các bạn à lên vì được nghỉ. Riêng em thất vọng, vì đang sốt ruột được học với Thầy. Lúc này, Thầy (hình như) cũng không biết lớp có thành viên mới vào (là em). Giờ học tiếp theo (tuần sau) Thầy đến lớp. Câu đầu tiên Thầy hỏi: "Hoàng Tuấn Công là ai" Em giật mình đứng dậy. Ngỡ rằng thầy sẽ trục xuất ra khỏi lớp, (vì hôm trước các bạn không muốn nhận thêm người). Thật bất ngờ, thầy nhìn em trong giây lát rồi cầm sẵn mấy tờ giấy trong tay nói: "Cậu đọc lại toàn bộ bài văn này của mình cho cả lớp nghe". Em cũng chưa hiểu mô tê gì, nhưng cứ thế đọc. Cả lớp nghe. Xong, Thầy phân tích và có nói một câu "Trong này có những câu ngay cả tôi cũng không viết được như thế". 
Ngay năm ấy em đỗ vào Đại học tổng hợp Hà Nội.

Câu chuyện này, theo em mãi đến bây giờ. Thầy dạy cho em chuẩn mực, nhưng là chuẩn mực sáng tạo.

Chẳng biết Thầy còn nhớ không. Vào khoảng năm chín mấy gì đó, em có "tham gia" vào "vụ" tranh luận với Trần Mạnh Hảo. Sau gặp Văn Quyến-Nhà thơ trẻ (nói là học trò của thầy)

Hôm cụ thân sinh Thầy mất (lễ viếng ở nhà gần bệnh viện Đa khoa) em có đến. Nhưng vì Thầy bận nên chắc cũng không nhớ.

Lâu quá không được nói chuyện với Thầy nên em xúc động. Giờ thấy đã dài dòng. 
Em xin dừng bút !Hôm sau chắc em còn nói chuyện với Thầy nhiều hơn. Bọ Lập rất quan tâm đến công việc của em- một học trò của thầy Đỗ Ngọc Thống.

Chúc Thầy mạnh khỏe.

Trò Công

 

2. THƯ TÔI TRẢ LỜI HOÀNG TUẤN CÔNG

Vào ngày 16:30 Thứ Hai, 24 tháng 2/2014, Do Ngoc Thong <thongdongoc @ yahoo. com> đã viết:

“Công à! Hóa ra trí nhớ của tôi tồi quá. Nhưng tôi rất hạnh phúc khi nhận được hồi âm của em. Tối qua lúc 11 giờ đêm, khi tôi vừa bước xuống máy bay sau chằng đường dài từ Hoa Kỳ trở về, trong nhiều cuộc gọi nhỡ có cuộc gọi của Nguyễn Quang Lập. Lập giới thiệu, cho địa chỉ email , số điện thoại của em và những bài viết vì sợ tôi chưa đọc. Thực ra tôi cũng đã đọc vài ba bài của em trên trang của Lập rồi nhưng lúc đó chưa nhớ ra, chỉ thầm nghĩ thấy bài viết rất đúng và hay; rồi do công việc bận quá tôi không theo được tiếp cho đến lúc Lập nhắc... Và không ngờ trong thư trả lời, em lại nhắc lại những gì liên quan đến tôi hơn 1/4 thế kỷ trước. Mà đó lại là một kỉ niệm đẹp, nhưng tiếc là tôi không nhớ. Một phần cũng là do được may mắn dạy khá nhiều em học sinh giỏi nên thường gặp những tài năng- những tài năng hơn cả người dạy- Vì thế ngay từ ngày đầu đứng trên bục giảng cho đến bây giờ dạy cho cao học hay nghiên cứu sinh tôi vẫn tâm niệm trong số người đang nghe mình có những người là thầy mình. Trong số người ấy có Công. Tôi đọc bài của em và học được nhiều lắm. Nhiều câu và nhiều chi tiết tôi cũng hiểu sai như ông Nguyễn Lân vậy. Tôi chắc cũng rất nhiều người hiểu sai như thế và điều đó cũng bình thường thôi. Chỉ không bình thường khi thấy có người như Công chỉ ra rồi mà vẫn bảo thủ hoặc không hiểu. Vì thế những gì em viết là rất có ích và nêu một tấm gương sáng cho giới học giả Việt Nam không chỉ về tri thức, sự hiểu biết ... mà còn về tinh thần sáng tạo và tư duy phê phán - một trong những phẩm chất rất cần hình thành cho trí thức và thế hệ trẻ Việt Nam. Tôi nói với Nguyễn Quang Lập: lẽ ra gia đình ông NL phải cảm ơn em, trả công và nhờ em đính chính, chỉnh lý và in lại với việc ghi rõ những gì em chỉnh sửa. Đó sẽ là một hành vi rất đẹp của giới trí thức và nếu làm như thế thì tôi sẽ rất cảm phục gia đình ông ấy. Không hiểu họ có nghĩ như vậy không. Những việc khác với em tôi đã nói qua thư trước rồi, có gì sẽ trao đổi tiếp, nhất là khi gặp nhau nhé. Nếu không có gì khó xử thì tôi và em cứ xưng là anh em đi, vì tôi cũng chỉ hơn em chục tuổi gì đó. Tôi tuổi Đinh Dậu, năm nay bước vào tuổi 57 dương.

Chúc em luôn mạnh”

Đỗ Ngọc Thống

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook