CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Vũ Khánh

HỒ KIẾM - QUEN MÀ LẠ

Chủ nhật ngày 22 tháng 8 năm 2021 12:00 AM

HỒ KIẾM

 

Bên hồ Kiếm
Chỉ một mình em
Chập chờn đường ven núi
Chỉ một mình anh.
 
Mắt xa xôi một hồ nước lặng
Có mảnh trăng ban ngày
Trăng ban ngày
Không ai thấy chỉ hồ nước thấy.
 
Cuối con đường ở phía xa kia
Núi Mã Yên vẫn không người cưỡi
Yên ngựa trống không
Hắt hoàng hôn mũ triều thiên lộng lẫy.
 
Tất cả những ai đang dạo quanh hồ
Bỗng dưng biến mất
Tất cả những con sóng mặt hồ
Đồng thanh khóc lóc
Không ai biết kiếm bạc lưng trời
Chìm hồ nước mắt em nhòa nhạt.
 
Hồ Kiếm
Chỉ một mình em.

(Vũ Khánh - “Hoa Trạng nguyên - Nxb VH. H. 2020)

 

Hồ Kiếm” mang một bút pháp lạ, dù nhan đề, đề tài…có vẻ quen. Sự định danh, ám tưởng một không gian xác thực: hồ Hoàn Kiếm với huyền thoại trả gươm, hiện thực mà hư ảo. Chất phi thực càng rõ rệt hơn, không phải bởi những chi tiết hoang đường truyền thuyết, mà bởi ngôn ngữ và sự sắp đặt chúng trong một kết hợp phi truyền thống. Đây là một trong những bài thơ, dù có những câu, từ, hình ảnh bất ngờ đến đâu, cũng không thể dừng lại vì bắt buộc phải đi hết mạch vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình, đọc đến hết bài và trăn trở với mỗi con chữ trong vị trí tự thân cũng như mối liên hệ ngang - dọc  bàn cờ giữa chúng mới có thể cảm nhận được cái linh hồn rạo rực mà mong manh của nó.

Không gian huyền thoại bị phá vỡ bởi sự xuất hiện của cặp song đôi: AnhEm không ở trong quan hệ tương quan - biểu tượng của sự thắm thiết, keo sơn như “mận- đào”, “thuyền - bến” ca dao hay mãnh liệt, nồng nàn “thuyền-biển” (Xuân Quỳnh) mà được sắp đặt so le, cách vời bởi sự chia cắt của không gian hồnúi, trong sự biến thiên tĩnh - động, để bên Hồ Kiếmchỉ một mình em”, cũng như “chỉ một mình anh” chập chờn đường ven núi. Từ chỉ xuất nhấn mạnh tính duy nhất, sự cô đơn, khiến khoảng cách ước lệ giữa hồ và núi không những không thể đo đạc được mà như dài rộng thêm ra, như hai đường song song, mà điểm gặp nhau là ở vô cùng. Một thế giới mộng du.

Mạch cảm xúc tiếp tục cùng những cặp sự vật sóng đôi như sự lắp ghép của những mảnh đoạn siêu tự sự, dường như chẳng có gì ăn nhập với nhau: mảnh trăng- hồ nước; yên ngựa - thanh gươm. Sao có thể tái hiện một hiện thực theo cách suy diễn của tư duy tỉnh thức ở đây? Núi Mã Yên ở đâu? Ai có thể “cưỡi” ngọn núi này và tầm vóc người tráng sĩ? Tại sao yên ngựa lại trống khôngmũ triều thiên hắt hoàng hôn lộng lẫy? Không ai có thể trả lời những câu hỏi ấy. Bàng bạc một sự quan hoài chia cắt, phân ly, với những ảnh tượng huy hoàng mà tan vỡ, như ráng chiều ngày bão.

Sự rời rạc tiếp tục thành đứt gãy. Nhịp điệu thơ trở nên gấp gáp với những cấu trúc lặp và điệp ngữ. Không chỉ là mảnh trăng ban ngày mờ ảo mà như địa tầng sụt lún dưới chân. “Những ai đang dạo bên hồ/ Bỗng dưng biến mất/ Những con sóng mặt hồ/ Đồng thanh khóc lóc” như màn kịch biến. Có điều gì bất ổn. Bất ngờ, cuống quýt, xót xa - môt sự sau cùng hiện hữu. Những ai đang dạo bên hồ rất bình yên, rất thật. Bỗng dưng biến mất lại là phi lý. Những con sóng có thể khóc trong cái nhìn nhân cách hóa, nhưng đồng thanh khóc lóc chứa đựng một bi kịch lớn hơn nỗi buồn, mất mát giản đơn, hơn cả là cái chết. Không ai lý giải được cái kết bi thương này. Như không ai biết/kiếm bạc lưng trời/ chìm hồ nước mắt em nhòa nhạt. Logic nào chokiếm bạc chìm trong hồ nước mắt em ? Mảnh trăng ban ngày kiếm bạc lưng trời/ chìm hồ nước mắt em là tự sự. Nhưng không ai thấy, chỉ hồ nước thấykhông ai biết lại là trữ tình. Một thể thống nhất của những cặp sóng đôi rời rạc: anh - em; hồ - núi; yên ngựa - người cưỡi; kiếm - hồ… cả trong cấu trúc hình thức và nội dung, ngữ pháp và ngữ nghĩa; chẳng bao giờ gặp nhau, song lại luôn là đối trọng và không thể thiếu nhau. Bốn khổ thơ được gắn kết bằng những biến thể của một hằng thể gồm hai đối cực: gần mà xa, khác biệt mà thống nhất. Sự thống nhất của mối liên kết rời rạc là sự tồn tại bên nhau qua một không gian chia biệt, là thế “tương phùng” mà chẳng thể nào “tương ngộ”, cô đơn mà đồng điệu. Chỉ hồ nước thấy ánh trăng ban ngày. Núi Mã Yên, dẫu yên ngựa trống không, vẫn chỉ chờ người cưỡi. Thanh kiếm bạc ( Thanh kiếm phong hầu, hoạn lộ chăng?)  với yên cương, ngựamũ triều thiên, ở nơi lưng trời mà lại chìm trong hồ- -nước mắt- em…! Không thể có câu trả lời tách bạch, bởi sự cộng hưởng ngữ nghĩa làm nên nét nhòe: hồ - nước mắt em hay mắt em - hồ nước...Tất cả cứ mông lung, nhòa nhạt, đầm đìa. Một nhạc điệu trầm buồn, da diết, mênh mông, sâu thẳm trong không và thời gian. Như một công án thiền, trăng trong đáy nước. Như anh và em. Cái khả năng chứa đựng không cùng ấy có thể bao dung trong mình xót xa, tan vỡ, bại thành...

Hồ Kiếm
Chỉ một mình em.

Cặp song đôi duy nhất tách ra, lặp lại theo thể đầu cuối tương ứng. Không còn là sự định vị không gian. Từ bên Hồ Kiếm đến chỉ còn Hồ Kiếm, gợi ý nghĩa “kiếm tìm”: công danh, sự nghiệp, tình yêu, hay điều gì nữa? Từ anhem lạc nhau giữa hồnúi đến chỉ một mình em. Từ một hồ nước lặng đến mặt hồ dậy sóng. Dự cảm cô đơn, mất mát, đớn đau đến tận cùng. Sự chịu đựng, thấu cảm lặng thầm mà kiêu hãnh biết bao trong hồ nước mắt không lời ấy. Sự nhẫn nhịn, hy sinh lớn lao trong em bé nhỏ, trong hồ nước mắt yêu thương, bao dung mọi khổ đau, lầm lỗi, chữa lành mọi vết thương…trong nhiệm màu vũ trụ. Cuối hành trình kiếm tìm - được - mất,  còn lại chỉ một mình em. Trên  tình yêu, là tình tri kỷ.
Hồ Kiếm, trên câu chuyện của anh và em muôn thuở, hơn một chuyện tình, đối thoại với ta về ý nghĩa cuộc đời trong muôn kiếp nhân sinh.


Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook