CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tùy Bút

GIAI THỨC CỦA TÀN TRO

Chủ nhật ngày 22 tháng 1 năm 2023 12:00 AM

1.Quầng hoa mận bồng trắng bỗng dưng rung cánh.

Ô,  mưa bụi đã giăng thêm khói sương.

Tôi ngồi đọc sách canh lửa rền nồi bánh tro giúp Mẹ. Chấm mưa chen xác hoa trước xuân rơi đan những lật trang nhòa ẩm. Rạc bước giữa mỗi con chữ,chiếc bánh tro cuốn bó đỏ vàng lạt giang mắt cáo y chiếc xà cạp của cụ Vitalis[1]và cậu Rémi lượn quanh sân khấu.

Bếp lửa bung phiến lưỡi te tua lẻm quanh đáy nồi ba mươi đồng đỏ thắt eo loe miệng, ọc ạch vỡ bóng, sôi vọng qua chiếc vung đan cật tre. Hơi nước vòng veo, ngẩn theo vị lá chít thổn nức ngô non luộc chưa kịp giao thấm hương hạt nếp thanh luyện trong dung môi tàn tro cây lá vỏ quả của các vị thuốc dưỡng thực nên hãy còn ang ngái.

Một sáng đã Xuân, nhưng hồi ký lòng tôi sao ngây dại nỗi buồn.

Bánh tro- thức bánh giản dị như nguyên sơ, người thường đa ngộ nó sơ sài, ai cũng thể thao tác theo công thức. Nhưng sự đời từ luộc trứng đến chế tạo ô tô điện thoại smartphone dựng nhà tạc tượngvẽ bức tranh viết một câu chuyện mà đạt tới vẻ đẹp giản dị tinh tế, mãn kiếp vẫn thách thức nghệ nhân ẩm thực kỹ sư và các nghệ sĩ.Vì vậy cả ngàn thị dân cả ngàn nông dân đến cữ, tới thì cũng trình diễn bánh tro -“péng nẳng”nhưng sản phẩm chỉ bảo đảm là ăn được.

Bánh tro đạt đến phẩm hàm “nguyên sơ”thì “đòi” người “chế tác” phải đạt ngưỡng trình chẳng những giàu mỹ cảm mà còn tinh thông dược lý, tỉ mẩn của lang y hy vọng với đến chuẩn ngon- nhã- tinh- như nhiên. Bởi Mẹ đã bảo rằng: “Thức gì chứ, riêng bánh tro khi cắt miếng bánh bày đĩa mà không đẹp như những cánh hoa ngọc thạch, mã não thì dám chắc không thể nào ngon.’’

Đó là thức bánh mà nhìn quanh Á châu, dân Quảng Đông hay Nhật cùng phiên bản diễn thực bởi chung địa văn hóa lúa nước. Và nước Việt miền cổ phong, nơi giao thoa Mường Việt thì bánh tro hiện hữu trong mỹ tục trầm mặc phảng phất một nghi lễ.

Nhưng mỗi thổ ngơi các mẹ, các mế có chiêu riêng sắp bánh tro - “péng nẳng”của mình với hạt nếp chỉ định khoanh thửa được phò tá vỏ quả, thân cây, dây leo, lá thơm đâm chồi, mở nụ trên đồi, ven suối, bờ mương, góc vườn tự nơi ấy khi thiêu lửa đỏ khi ngâm trong nước vẫn niêm đủ canxi, kali dưỡng màu vị.

Cách gọi bánh tro hay “péng nẳng” Mường ngữ, thoẳn trụ như nem chua xứ Thanh hay tam giác dáng gù kiểu bánh chưng người Thái khoác lá chít bọc lá dong thì chất và phong vị cũng hao hao. Tùy từng tọa độ núi sông xây nên nếp con người thì bánh tro hoặc thức bất kỳ mới triển đạt hết mọi chiều kích tự thân mà nó tiềm ẩn.

 

2.“Lắm măng thì đỏ, lắm vỏ thì nhừ”, bóng hắt nghiêng thềm nắng thu, Mẹ  buột nhớ hay nhẩn nha nhắc mình cách sắp bánh tro lúctãi ra chiếc nong đại nhữnglá mua, lá găng thạch, lá cơm nếp, lá trebăm rối và lổn nhổn vỏ chuối mật, vỏ bưởi, vỏ quả thị, tầm gửi cây gạo, cây dọc, vỏ rễ cây xoan, cành cây mận,vỏ lạc, vỏ quả sở, vỏ bưởi, trã vừng, bẹ cau tứ thì, cắt vụn như phôi thuốc Nam.

Phôi “nác nẳng” kiêng nước, rũ bụi rừng trước sơ chế, phơi nắng yểu mươi buổi, rồi hiêng nong trên hè rọi sáng và gió thông chờ mọi mảnh“cốt” kiệt nước như nhau, khi um thiêu trong vại đất nung sẽ tro “toàn hóa”.

Sang Thu, áo bà ba màu beige, Mẹ xách làn cói, dép nhựa xanh, tôi níu bên bập bỗng bước qua quầng bướm rối bay ngợp hoa cỏ mần trầu xòe cánh như răng gai phéc mơ tuya hai bên lối băng ngang đồng lúa vào xóm Mường, hắt mùa vàng thảng thốt lên vòm trời xanh nghẹt thở dưới núi Lưỡi Hái.Dọc ngang bờ ruộng xuyến chi hương sắc hoa tàn hãy còn cưỡi trên lưng những cơn gió thơm. Bao nhiêu mây trắng, trôi trong mương nước, mắc trước cánh đồng nếp tan ran ríu đất với trời.

Khọt khẹt lên cầu thang, chớm mắt đã thấy nong phơi cây cỏ của mế Lạntrên gác đầu sàn bương. Tôi không sao phân biệt đâu thuốc Nam đâu là cốt vị um tro làm “nác nẳng”[2], bởi sự lộn xộn của dăm gỗ trộn vỏ quả lá cây, tỏa mùi hăng ngái, lẫn gắt nồng, khiến trí tản, tâm phân.

Và tôi chẳng thể hình dung mế Lạn đầu trọc trái dưa hấu, khoằm khoằm nhìn, khòng lưng tựa bên cửa sổ sàn bương, duỗi đôi chân nâu khô, bong nứt từng mảng da như vỏ cây ổi ngồi vá tấm lưới thủng lỗ chỗ là gái út nhà Lang[3] một mình ruổi ngựa từ mường Sụ[4]vượt đèo Đá Bia sang mường Động đeo súng lục, quanh người xà tích, vòng bạc xung xoeng. Con cháu từng chật mường, nhưng mế dọn ra sống mình trong chòi sàn chứa rơm, tự chài cá, bắt cua ốc, cấy lúa trồng sắn ủ rượu hoãng. Những chiều chuyển gió, mế lóng ngóng nâng bát rượu hoãng[5] như nước đậu ngồi đầu sàn ê a tự kể “Te tấc te nác” [6]cho mình nghe. Và thả vào gió ngàn, để cánh chim lạc bầy trở về núi…

Lần đầu gặp Mẹ vào mường, mế sững sờ buông rơi ớp[7] rau dớn tung tóe. Dụi mắt, mế bặm môi: “ Con ơi, lạc ở đâu bây giờ mới về với mế với mường?”

Mẹ ngơ ngác, vịn cầu thang, mế lảo đảo gục xuống.

Sau này Mẹ mới hay con gái mế bám theo chàng trai nuốt kiếm trong một đêm đoàn xiếc rong người Nam ghé qua mường. Mấy mươi năm, cô ấy chẳng về. Mẹ có nét giống con gái mế.

Thời gian nạm rêu xanh cuội trắng dưới lòng suối sau cơn lũ, và tấm màn nhung sân khấu không còn khép mở nhưng chuyện tình của con gái, dù lãng mạn vẫn khiến mế chẳng thể nguôi vì nhớ thương và những tưởng tượng.

Mế Lạn mở bày cho Mẹ nghiệm sinh ẩm thực trong ký ức tộc Mường. Ấy là cách thức gia giảm vỏ quả sở, đu đủ rừng, rơm lúa nương kết hợp với vỏ bưởi, vỏ rễ xoan, cành mận, vỏ quả thị của người Kinh để pha tạo “nác nẳng” một thức bánh tro kết nối đồng bằng cửa sông với núi rừng khe suối ở vùng khẩn hoang.

Mỗi duyên chạnh nghĩ bánh tro, tôi không riêng nhớ Mẹ mà luôn kèm ảnh hình mế Lạn, với bước đi ngón chõe như bổ cuốc và ngất nghểu trên tấm lưng còng là chiếc gùi lèn chặt những cốt vị khúc mẩu cành cây, vỏ quả, quai đeo hai phiến da bò phơi sống lông vàng trụi nham nhở xiết xương vai, đứng giữa đồng Vai Kha, khăn trùm đầu không che kín tóc bạc.

Mẹ nhao đỡ chiếc gùi, mế Lạn sững cười móm mén.

- Để ho cõng,  dza [8]không đỡ nổi đâu.

Chẳng lẽ mớ cành lá vỏ quả lại nặng thế. Hăng hái nhưng tay Mẹ bất lực không nhấc nổi một bên quai chiếc gùi. Vạch miệng gùi, bên dưới sin sít xanh ốc bươu đá suối và cả một xâu cá sáp đành đạch sắp dậy mùi mỡ nướng cháy bên bó rau dớn xanh xoăn chuẩn bị ườn mình trên chảo.

Chị em tôi bất ngờ với thức món mế kiếm dưới suối trên rừng đem cho.Đổi bữa đũa gắp ào ào đôi ngày sạch veo. Còn góc bếp nhà sàn, những chai nước mắm Vạn Vân, tương Bần, mỳ chính bột, lạp xường Mai Quế Lộ…Mẹ biếu thì mế quên để phủ bụi phấn tàn tro.

Chạnh lòng Mẹ hỏi,  mế xuê xoa chối hờ, chỉ là ta chưa ăn thôi.

 

3. Các thức vỏ giúp cho hạt nếp mau nhừ, các thứ lá giữ cho màu sắc tươi trong, thì măng lưỡi lợn măng vòi khiển đậm nhạt. Rễ cây này nâng đỡ mở đường cho vỏ kia triển phát kịch mức công hiệu.

Biểu hiện trên nong phơi cốt “nác nẳng” không phải là ngôi thứmỗi vị nhiều ít mà nằm ở sự cân bằng giữa các chất vị với nhau, tương tác âm dương, kết nhịpnhư một toa thuốc, đồng thực hiện phận sự theo quy tắc, trình tự nghiêm ngặt, trong đó có chủ, có thứ, có phụ, có dẫn…giống một tổ chức xã hội. Cách phối hợp các vị làm “nác nẳng” như vậy, mế Lạn gọi là “phối ngũ”.

Nhà tôi theo đạo Chúa nên Tết mới sắp bánh tro. Nhưng tháng 5 vẫn có đôi chùm “péng nẳng”trong ớp mế mang ra treo lên cột nhà. Nhờ mế, Mẹ bớt rơi mồ hôi mỗi sắp nồi bánh tro.Vâng, Mẹ đặt là sắp bánh tro cũng như làm cốm thì Người bảo là sửa cốm. Sửa, bao hàm cả sự trịnh trọng, lề lối. Còn sắp đương nhiên là sắp đặt vận trình, kết hợp vật sự theo đúng nhịp, đúng điệu tiết thời gian.

 “Nác nẳng”thuần thành tỏa hương khi cây lá kịp thu hái dịp Thu. Mùa Thu, cỏ cây, trái quả mới hợp đủ dưỡng chất, mới đạt độ chín như tuổi con người. Mẹ gói kỹ giấy báo, bọc túi nilon đợi cận ngày sắp bánh mới đem cốt liệu cỏ cây hóa tro ngâm nước trước hai tuần. Nhập nhoạng chiều, Mẹ gọichị cả ghé tay khênh chiếc chum đất nung nhiệt thấp, vốn dùng để diễn các món nướng, da đỏ như môi cô gái mới thoa son ra sân sau cạnh bờ giếng.

Xé bao, cốt mộc trút ào, vọng khô khốc vang lòng chum.Mồi rơm nếp nhen, phập phừng sợi khói quẩn vòng dưới màn sương chiều ẩm, mãi chẳng bốc được mình để tan. Nhưng hơi cay thơm hăng ngái tê tê sống mũi như đống rấm hắt trã thuốc bắc xua xa sự hanh lạnh nhòa xám cả núi đồi. Quằn quại rồi lửa cũng bừng lên.Chiếc vung chóp nón của chảo nấu cám, được Mẹ che hờ nửa miệng chum, cháy chậm để lửa hồi thổ om cốt mộc đạt toàn hóa.

Sau bữa tối, đợi lò mát tay, dùng gậy tre đảo một hồi cho rã hết muội huyền phù, mới nghiêng miệng chum, bịt khăn tay ngang mặt, Mẹ xúc từng đấu tàn cốt rần lấy tro mịn. Nồi tro xám mượt như thứ bột mì viện trợ. Những vụn than đen xoáy mắc trên rần, Mẹ hắt trở lại trong chum chờ việc.

Mế Lạn dạy Mẹ không pha bột tro vào nước, mà sắp tro vào chiếc túi vải bông thô, thấm ướt để trong thau qua đêm. Sáng hôm sau, dội từng gáo dừa nước mưa nhỏ giọt qua túi, để nước rích từ từ xuống chiếc nồi hứng bên dưới. Màu nước sánh vàng tựa nước trà xanh để nguội. Kỹ thuật thấm ướt để tàn tro nở qua đêm, giúp “nác nẳng” không bị vẩn tro mịn bao quanh hạt nếp. Và các vi khoáng chất cũng đủ thời gian chuyển hóa hòa tan khi gặp nước.

Chưa hết, còn nhôi nhiêu việc nữa, ấy là nung mớ vỏ ốc bươu suối treo ớp vách bếp làm vôi. Thì sẵn than vụn đầu rần chờ trong chum, giụi que đóm, phù phù mấy hơi thổi lại bùng hồng rực là đến cữ thả từng nắm vỏ ốc vào chum.Nhiệt năng gia cường trong không gian vòm, vài phút đã khiến vỏ ốc bở mình, nồng ngậy.

Lượng vôi ốc đâu cần nhiều, lưng lưng bát ăn cơm.Nhé.Đương nhiên phải ngâm ủ nhuyễn, lắng cặn, rót giữ phần nước trong.Hàm lượng canxi vôi ốc không gắt đậm như vôi nung đá xanh.Vôi đá xanh hợp với bánh đúc đặc xịt, nặng nề.Và nữa, vôi vỏ ốc hương đặc trưng, nhẹ thanh chẳng ép cũng tự quyện bánh tro chân tình như con gái nhà lành.

Giao tác với nước vôi khi pha chế “nác nẳng” ém trước mấy lát măng khô. Chuẩn chỉ măng “lưỡi lợn” thành phẩm của mầm tre nhú chồi mươi đốt ngón,chưa kịp làm róng, đào lẫy hai phần ba củ, luộc tẩy, phơi nắng kiệt nước,quánh dẻo tựa chà là khô, lát măng vặn mình chẳng khác lưỡi lợn thè le vòi ăn.Vôi vỏ ốc và măng khô luôn nắm tay, ôm eo dìu nhau trong nồi  “nác nẳng” cùng  khử độc, tạosắc độ màu hạt gạo như ý muốn, bằng cách chủ nhân thêm bớt từng thìa nước vôi trong, thả hoặc vớt mỗi lát măng lưỡi lợn trong thùng nước ngâm gạo.

Nhưng Mẹ cẩn thận, măng lưỡi lợn cũng ninh chiết thành nước cốt.

Hạt nếp mường Sụ thuở ấy,giống loàichiêm hay mùa,từ cắm cây mạ xuống bùn đến cắt bông ra hạttrọn gần nửa năm.Bồi phù suối rừng già, tưới nước nguồn trong, cây lúa hiển nhiên thuần thành, phơi hạt mẩy chẳng cần lót phân chuồng ủ hoai, thúc phân nhà nước đóng bao.Thóc phơi cum gác bờ rào nứa, thóc tãi nong nia thấu tứ diện nắng sấy, chẳng màng tách vỏ xay, cứ nghiêng bồ xuống miệng cối xoe tròn đón đợi.Ào òa.Nước níu cần, cần thúc chày giã thóc quằn thóc vỡ...

Ba bốn ngày đêm tùy thóc phơi già nắng non nắng, một nhịp chày cối nước ứng với một trăm lần trái người đập rộn, không bị nhiệt hóa, lớp cám chà xát chuyển lượt vừa chạm tới lớp nội nhũ, khiến hạt gạo luôn đầy dáng, sáng bóng.Rũ bỏ giáp trấu thóc vụt biến ra gạo hiến dẻo thơm của mình cho mế già xoay vần cách gì cũng vui.

Đồ xôi, ngả bánh chớm bén lửa bùng hơi nước hương nếp đã bung biêng lay khắp làng, khắp bản. Con dâu mới cắn lỡ trớn, hai hàm dính nhau chẳng cất nổi lời. Muốn riêng tư, tí tủm một chút cũng không xong với đám trẻ bám cửa bếp thập thò.

Gạo sắp bánh tro bánh nẳng mế Lạn, định riêng khoảnh ruộng cửa mương, từng là điền thổ nhà Lang, nơi đón nhiều sinh dưỡng tự nhiên, bông nếp chạm vai người trĩu đuôi trâu mộng, gió bão vần xoay lúa vẫn nghiêm dáng cây.

Để góp nên đẳng giai thức bánh tro nhà Lang của mế Lạn, thì lá gói cũng như phục trang của siêu người mẫu, hai phía tương tác, nâng nhau khẳng định chung phẩm giá, đẳng cấp. Nghiệm sinh dân gian gói bánh tro ứng nhiều loại lá cây đa xơ sợi chẳng những hiền lành mà còn tiềm ẩn vi dược tính, đều khả dụng, mang   phong vị riêng. Nhưng mế Lạn, một mựcchẳng lá nào tốt đẹp hơn lá cây chít, mọc ven suối lưng nương, xạc xào vẫy bông bện chổi với cỏ lau.

Tự nó đã là vị thuốc, đâu ngẫu nhiên mà con trùng ú nấn đục gặm mầm chít, béo mượt, ngâm rượu có thể nâng cấp sức mạnh giới lâm trận đã tàn cho đàn ông. Những chiếc lá bánh tẻ, mỏng cứng như tờ bìa, thuôn thuôn hình lá địa lan, cạnh gợn sắc. Cuộng và chót lá, tay kéo Mẹ cắt bằng, chập thành tập bó gập, buộc bằng chính lá chít tước nhỏ. Lá chít buộc lá chít, thắt nhau đau nhưng chặt.Lá góixếp chõ đồ chín như xôi. Lá chít đồ sẽ dai mềm, không hao thôi vi chất như là đem dìm nước luộc.

Ký ức mế Lạn, nhà Lang xưa không chỉ gói “péng nẳng” bằng các thức lá. Ống nứa non nướng lửa, tước cật, chừa lại phần bọng xốp mềm, có lớp màng lụa trắng bao lòng, cắt từng ống hơn gang tay nhồi hạt nếp, tương tự như thao tác cơm lam khóa hai đầu bằng vấu đốt, chọc lỗ thở.

Chuyên dùng trong cúng lễ, những ống bánh tro nhuộm đỏ tô hồng.Thức bánhấy không nên dụng vào việc thường.Dù sao mế cũng muốn giữ lại những bí mật cho riêng và Lang tộc.

Gạo, lá, nước nẳng toàn hảo, nhưng sơ sẩy việc dụng nước nấu thì việc sắp bánh tro chẳng khác qua sông đắm đò. Thường thường nước giếng đun nước pha trà không cặn là đạt độ mềm, nhưng với Mẹ nhất nhấtkén nước mưa. Mưa rừng hứng mái gồi đựng vại sành giữa mùa, luộc bánh tro thì chỉ có cười mỉm, viên mãn.

“Péng nẳng” luộc nước mưa, tưởng đã kiêu kỳ bắc bậc ư, không. Mế Lạn lắc đầu bụm môi.Nước trời ư? Chỉ tay lên núi Lưỡi Hái âm u như thảm bông cải xanh bất tận còn ẩn vô vàn thần bí, mế dạy cách lần khe suối tìm rừng nứa ngộ[9], lọ khọ gõ sống dao từng cây còn vương vỏ bẹ, chót ngọn bị bão gãy, mầm nhánh nứa xù xù như đội khóm cây ổ gà, vọng những âm trầm bậm bịch, đích thân nứađó tích thủydo bộ rễ hoạt động trội sung và nước mưa thẩm thấu qua những vách ngăn đốt ống từ vết gãy dạo còn măng.

Thứ nước giữa trời giữa đất, có tên chữ của các lang y là “trúc tích thủy” trong veo như nước cam lồ, chữa dứt cơn sốt rét đương cương, để ninhbánh tro sửa theo công thức nhà Lang. Người chưa trải nghiệm, thì dễ chặt về những cây nứa òng õng nhưng nước váng nhớt vì  mưa thấm qua lối kiến lỗ sâu đục…

 

4.Chẳng như bánh chưng là việc của người lớn.Vào khuôn buổi chiều, chập tối nổi lửa củi gộc hầm sình sịch xuyên đêm. Gói bánh tro Mẹ thường thực diễn vàobuổi sáng,luộc liền tay tù tì suốt mười tiếng ngoài sân giếng. Ui khoảng sân giếng đầm xỉ than lò vôi thần thánh, dưới bóng cây mận, chứng tôi ngồi canh lửa đọc sách nghê nga.Mọi việc dính đến cỗ bàn, đám tiệc của nhà thường diễn ra ở đó. Vừa dụng tiện vừa khuất, thầy mẹ ngại cái sự phô bày miếng chín khi hàng xóm khem khó bánh chưng sắn.

Dù Mẹ thuộc các thức bánh, và sắp bánh tro của người Kinh rành chẳng kém ai, nhưng đụng đến “péng nẳng” của nhà Lang thì lại là câu chuyện khác. Và mế Lạn, trừ ho sốt mới có thể khước từ Mẹ không góp mặt hôm gói bánh. Mế chỉ cần đến nhà ngồi trên ghế, dưới quầng hoa mận trắng,vo vo tiếng ong ca,là Mẹ yên tâm thao tác không sơ sẩy, nhầm lẫn dù một nuộc lạt.

Một lần không cầm được, tôi hỏi rằng Mẹ đã thuộc làu sửa bánh tro nhà Lang, sao còn vời mế Lạn đến nhà ta bày việc.Nhìn tôi lạ lẫm, vẻ thất vọng nào đó, khiến Người thở thượt.

- Con ơi. Bà ngoại mất sớm, mế Lạn chưa bao giờ nhận Mẹ là con, nhưng tự những việc mế qua lại nhà ta.Mế đã coi nhà ta là người thương thiết rồi.

Mặt tôi ran như lửa táp.

Thinh không u ông vẳngtiếng cồng luyện thanh đón Tết từ mường Sụ. Tẹt tẹt pháo tép nổ bói phía làng khẩn hoang. Rét the the sin sít, đờ đẫn ngón tay.Hoa mận trắng nhòa trời. Mùi hạt nếp ngấm “nác nẳng” đang trở mình khô ngái ngát lẫn hương lá chít đồ ngậy ngọt càng thêm sốt ruột hình dung khoảng khắc kéo đầu lá chít từ từ lột lớp vỏ lộ dần ruột bánh nuột trong như ngọc, lấp lánh sáng.

Đến đường chân trời trước mặt, lại thấy chân trời phía xa. Nan đề của nan đề sắp bánh tro là khâu chế “nác nẳng” sểnh tay pha là hỏng cả mẻ cốt. Nước ngâm gạo phá vị dẫu có gạo nhà Trời ngâm thì bánh tro sửa máy cũng tong.

Mẹ lắc thùng gỗ “nác nẳng”sánh màu nước trà xanh, đã nêm nước vôi vỏ ốc ngâm thục nửa tuần trăngtrước mế Lạn để xin chỉ dẫn.Cầm lá trầu tươi, mế Lạn nhúng ngập vào thùng gỗ chừng chục giây, rồi đưa lên miệng nhai chậm rãi như ngẫm ngợi lắng nghe bản thân. Bày lá trầu dập ra lòng tay, thấy sắc nhợt nhạt, mế xòe hai ngón chỉ tay vào đĩa măng lưỡi lợn. Tức thì Mẹ thả múc hai thìa nước sắc măng khô đậm tía vào thùng. Khuấy đũa cả mươi vòng. Nước thùng gỗ chợt loang sắc hồng nhưgiỏ nước rau dền tía. Chẳng may lỡ tay quá vôi thì làm ngược lại, đổ thêm nước…pha loãng vôi. Đấy là phòng xa, thực tình vôi vỏ ốc hàm lượng ít xèo quá trớn bánh cũng chẳng nồng khé nếu như rớt vôi ta.

Gạo ngâm nước nẳng đãi sạch hong khô, cũng phải là mế kiểm tra hạt nếp sau một đêm trầm mình thanh tẩy và tiếp nhận khí vị của cây cỏ trong vòng chuyển sinh ngũ hành. Vê hạt nếp nếu bở giòn không dính bột đầu ngón, thì mới tiếp đến việc nhuộm màu, tô sắc cho từng mẻ gói. Măng lưỡi lợn cho màu mã não, măng vòi co màu hổ phách, lá sậy cho màu vàng già, muốn nhạt màu nữa thì viện búp sậy non, lá cơm nếp dứa cho màu xanh ngọc…

Rồi thì lạt giang tước mỏng lụa, nhuộm lá đơn sắc đỏ, củ nghệ chuốt vàng, vắt mình ngang giá đỡ vừa tầm tay rút của Mẹ ngồi ghế bệt bên chiếc bàn chân thấp, óng mượt như tấm thảm. Gió rung rinh rơi những cánh mận trắng lẫn những chú ong mỗi khi trườn qua.

Mế Lạn, gà gật, mí mặt nặng nề chợt rướn lên chống đỡ cơn buồn ngủ, nhưng ánh mắt bỗng tỉnh sáng, khi thấy chị cả nhanh tay khăn mặt bông lau hai bề mặt lá chít đồ suông ong không vẩy li ti chấm sạn, vẩn bụi vấn vương. Chị hai xếp những chiếc lá sạch chuẩn, đặt thành chồng ngỡ tưởng cải muối dưa ép sắp gác sào phơi.

Rá nếp vun ngọn thìu thịu như ngái ngủ bởi sắc diện ngả nâu vàng nước nẳng.Mượn Thầy chiếc thìa trà, cán gỗ tròn, móng xúc đồng thuôn vỏ hến, nằm tênh hênh chờ tay Mẹ rải gạo vào khuôn ống.

Tôi lo lắng: bánh chưngto vật làm khuôn gỗ đã đành. Bánh tro tèo tẹo thì chế khuôn thế nào? Chớp mắt, mế Lạn trình ra đoạn ống nứa cạo tinh, chuốt bóng,tiện bằng,nhỉnh hơn tuýp kem đánh răng, dài vừa hệt chiếc bánh tro. Ngỡ là luồn lá chít vào trong ống, rồi đổ gạo vào. Nhưng không, mế trải bốn lá chít chồng mép lên nhau như lợp mái trên mặt bàn, đặt khuôn bắt mép lá cuốn vòng quanh thân ống nứa, lăn qua lăn lại, dồn vuốt tay cho phẳng mặt, rồi gập vuông góc một đầu lá, kéo sợi lạt giang đỏ vàng tùy ý buộc lại. Đầu kia cũng bẻ đầu lá tạo nếp vuông góc, mế dựng lên, dùng cán thìa trà nong tròncác đầu lá rúm ró, sau mới trở chiều xúc gạo, trút, nhồi. Khi gạo đầy, lắc lắcnén ruột, nếu hao thì xúc thêm gạo, gặt bằng rồi rút ống nứa khuôn ra. Lại lát giang xanh hay vàng là tùy, chằng chéo hai màu lạt ngược chiều kiểu quấn xà cạp rạp xiếc. Chiếc bánh tro kháu khỉnh, ranh mãnh mở những con mắt trái trám ra nhìn vừa giống chiếc bánh chưng dài lại vừa giống như món đồ chơi lạ mắt.

Các chị lau tau xếp lá chít, ti toe với thìa trà định xúc gạo, Mẹ lừ mắt. Mế Lạn cười hiền, kéo chị cả lại gần. Những ngón tay nâu rám,lồi khớp, móng sần kẻ như vỏ sò mềm khéo kỳ lạ. Loáng động tác, mấy chiếc lá chít thành cái phễu nhỏ nằm nghiêng giữa nham nhở nước chàm xanhlòng tay. Những chiếc bánh tro bồ kề hay bánh tro gù mà sau này các chị biết sắp, là khởi đầu từbuổi tập tọe như thế.

“Ông” kiềng thép xoắn tạm giải nhiệm đội thùng cám trong góc bếp, điều chuyển ra sân sau.Chiếc nồi ba mươi[10] đồng đỏ sáng choang chói như say rượu. Tôi thi lượt với các chị chạy ríu ôm củi sồi cưachẻ từ mái vảy chuồng bò.Lá gói dư và đầu thừa mẩu thẹo cắt xén, Mẹ dí dủm vơ quén lót mấy lượt đáy nồi.Bánh gói khuôn thì xếp đứng, lèn sít nhau, nhưng kiêng vỗ chặt, bánh bồ kề nằm thế nào thì xếp thế ấy.

Mấy lượtống nứangộ “trúc tích thủy” òng ọc chảy tràn nồi.Một luồng khí bỗng mát lừng phào qua mặt. Hương rừng nguyên sinh hoang dã như hoa mộc thả nước mưa, gợi đến suối khe sâu hút và bóng cổ thụ đại ngàn rùng rình dịch chuyển âm giai thân nghiêng ngả điệu lá vũ trầm tưởng.

Ngâm bánh tro sống trong “trúc tích thủy” chừng mười lăm phút, để ngấm đều mỗi hạt nếp, mỗi gân lá để tránh hư hấyrồi mới bắc lên ông kiềng thép xoắn.

Mẹ nhao đi việc, ngoái lại tái hồi dặn, sôi bùng thì rút bớt củi, ghim lửa.Lửa yểu, sôi chậm bánh mới rền các con nhé. Trước lúc xếp bánh, chiếc nồi đồng ngâm bỗng rượu, thoa cát đen đến sáng lòa. Lỡ dây tí mỡ màng thì có đốt mấy khối củi bánh cũng không chịu rền. Hạt gạo trơ đuỗn, cứng kễu.

Chị em luân phiên canh lửa, không phiền thầy mẹ mó tay thêm.

Nửa tiếng, đồng hồ boong boong côn chuông, thì hé vung, nghiêng mặt, tránh luồng hơi nóng hực, đổ thêm vài gáo“trúc tích thủy” vào khoảng sọc đỏ sọc vàng của những dấu lạt buộc bánh lấp ló trong bóng nước lục bụcsao cho chúng biến khỏi tầm nhìn là đủ nước sôi cho đến cữ sau.

 

5. Đã bao nhiêu năm, trong giấc mơ vẫn vộc nhớ nồi bánh tro cần tiếp nước, thì tôi lại thấy mình cuộn tròn trong chăn. Đều đều giọng Mẹ kêu cầu Chúa, đan chen giữa tiếng máng cối gạo òa đổ, lúc xa lúc gần.

Đâu đó trên chiếc sào tre gác trong gian buồngcủa Mẹ, từng chùm bánh lạt vàng lạt đỏ mắt cáo buộc díu đôi, bánh bồ kề buộc túm ba, trông như bầy chim vẹt, chim chào mào đang xúm xít bám chùm quả chín. Mát lành, chẳng biết hương bánh tro dậy lên hay là mùi nước mưa mới sa đẫm cây vườn.

Tiếng nai gộ rừng xanh gọi Tết về săm sắp.

Con đường son phù sa lấp loáng dưới bờ phi lao về làng Hoàng nương theo ngòi rêu nước trong, đàn sếu di trú lảnh lói bay lên xà xuống. Kêu lạnh.Tíu quanh Mẹ, tôi xon chạy, các chị lễ mễ đồ lễ nội ngoại những đòn bánh chưng trĩu tay, những túm bánh tro sắc màu.

Chập choạng, tôi ngủ gục bên trang sách và miếng bánh chưng xắn dở trong chiếc đĩa hoa hồng. Đồng đỏ, nồi ba mươi lục ục “trúc tích thủy’’ nấu bánh tro. Khói bếp run quanh nhưng không thể đẩy ngược những hạt mưa đu bám những cánh hoa mậm xoăn quăn, nhẹ hều la đà đậu xuống mặt, xuống cổ tôi phơn lạnh.

Mồng Một, nghiêm ánh nến và nhang trầm.

Đĩa bánh tro theo cách nhà Lang của mế Lạn mà Mẹ thực diễn, bày mời khách trông như một đĩa hoa. Những cánh hoa tam giác được cắt bằng tơ tằm vàng, từ những khối hồng ngọc, mã não, thạch ngọc trong suốt, chúng thấu quang, ngậm ánh sáng, run rẩy như đang cựa quậy, mà xuyên sâu mờ vẫn nguyên định dạng hạt nếp, với đường bo elip mảnh mờ như một hơi thở dài, sau mỗi giọt mồ hôi, như sợi khói tỏa lên từ những tàn tro cỏ cây đông kết lặng lẽ xếp bên nhau trong hỗn độn của tương phùng.

Hai chiếc đĩa xíu trắng và đen.Trắng đựng mật mía de trồng khóm lẻ nương đá, cạo vỏ quay ép từng cây. Đen đựng mật ong hoa nhãn đầu mùa ven sông Đà. Ai ưa sắc ngọt nào thì hướng vị ấy. Chiếc hộp gỗ đã kéo nắp để lộ những chiếc nĩa xương nai hai mũi giáo và những thìa café gỗ kim giao hong hóng chờ.

Có thể xiên dĩa chấm, và cũng có thể dùng thìa phết ngọt ngào lên từng miếng bánh khối hình tam giác.

Người khách xông nhà, sẽ là người thưởng miếng bánh tro đẹp nhất trên đĩa. Và cũng là miếng bánh may mắn của cả năm.

Tôi tính tuổi qua những lần Mẹ sắp bánh tro. Nhà theo đạo Chúa, nên Mẹ thường sắp bánh tro dịp Tết. Thức bánh mát lành dành sêu Tết cho bậc trọng, mời khách xông đất và cân bằng cỗ bàn cường thực, ngán ngấy.

 
Lời thêm.

Tôi rời vùng rừng khẩn hoang ngẫm nhớ núi Lưỡi Hái từ xa. Cận Tết Mẹ thảng thốt, mế Lạn bỏ bữa gần nửa tháng, nếu gác được việc con về mường Sụ thì may kịp. Năm ấy, cây mận sân giếng câm hoa.Lạnh cháy veo chồi nụ. Mế bỗng thèm “péng nẳng”. Các chị xúm đỡ Mẹ xong sắp bánh. Bập bỗng hai bàn tay, ríu đĩa bánh Mẹ nâng trước mặt,ngấn cười, mắt bừng lửa, dù ép thế nào, mế vẫn lắc đầu không chịu ăn. Thì thào, mế rướn tiếng như gió thoảng, Mẹ nghe sát. Hình như mế nhắc tên cô con gái thất lạc, bảo Mẹ rằng để phần “péng nẳng” cho ún[11] về ăn…

Mấy năm sau do việc thường sang châu Âu thỉnh thoảng tôi dừng ở Paris.

Phố Montmartre trên đỉnh đồi Montmartre và nhà thờ Sacre-Coeur, tôi vẫn lang thang. Ngợp nhà hàng, quán cà phê, phòng tranh, cửa hàng đồ lưu niệm. Quảng trường Tertre dốc nghiêng, nơi các họa sĩ vẽ chân dung, nặn tượng mini cho du khách. Lướt qua góc khuất tủ kính trưng bày, tôi giật mình: Đĩa bánh tro, chạm thạch anh và đá bán ngọc nguyên phong dạng. Vẫn những cánh hoa tam giác được cắt bằng tơ tằm vàng, từ những khối hồng ngọc, mã não, thạch ngọc trong suốt, chúng thấu quang, ngậm ánh sáng, run rẩy như đang cựa quậy, mà xuyên sâu mờ vẫn nguyên định dạng hạt nếp, với đường bo elip mảnh nhòa như một hơi thở dài.

Đĩa bánh tro của Mẹ. Bánh tro của mế Lạn. Giai thức tàn tro, của giai sắc  nhà Lang Mường Sụ đã tuyệt dấu dưới chân rừng.

Hỏi chuyện chủ gian hàng, thì tôi được biết, đây là tác phẩm ký gửi của nghệ sĩ gốc Việt, mẹ anh là di dân từng theo nghề một gánh xiếc ở Nice.

 

Nguyễn Tham Thiện KẾ - Ngày 02/11/2021.



[1]Nhân vật trong tiểu thuyển “Không gia đình” của Hertor Malot.

[2]Nước nẳng- Tiếng Mường.

[3] Người đứng đầu cai trị một làng Mường.

[4]Nay thuộc xóm Sụ- Cự Thắng, Thanh Sơn, Phú Thọ.

[5] Loại rượu ủ men lá hoặc men Bắc, uống trực tiếp không qua chưng cất.

[6]Để đất để nước- Sử thi Mường.

[7]Vật dụng đan bằng tre hoặc giang, phụ nữ Mường đeo thắt lưng.

[8] .Ho,dza-:Tao, mày. Mường ngữ.

[9] Nứa ngộ: Loại nứa to, cao như cây bương, lóng dài cả mét.

[10] Cỡ nồi nầu đủ cơn cho 30 người ăn

[11] Ún: Em- Mường ngữ.

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook